30 phút livestream tại vườn, nông dân chốt 200 đơn hàng

10/06/2023 10:49
Bà Bùi Phương Thanh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Noọng Piêu (tỉnh Sơn La) - hào hứng kể về hiệu quả của buổi live stream đầu tiên mà HTX thực hiện vào chiều 5/6. Khi tài khoản mạng xã hội TikTok của HTX quay phát trực tiếp lên mạng hình ảnh những trái mận chín đỏ trong khu vườn hơn 50ha, nhiều khách hàng đã đặt mua ở ô bình luận, có người mua 5 - 10kg, có người mua mấy chục ký mận.

 

Theo bà, trước nay, HTX vẫn bán mận hậu sỉ, lẻ trực tiếp và qua một số sàn thương mại điện tử, giao mận ngay sau khi thu hoạch nên quả luôn tươi, ngon. Để tăng niềm tin về chất lượng sản phẩm, HTX đã live stream để giới thiệu sống động hơn về loại trái cây đặc sản Phiêng Khoài này. “Không chỉ bán được hàng trong lúc live stream mà sau đó, nhiều khách biết đến mận hậu chất lượng nên tiếp tục đặt mua, cả mận hậu tươi và mận hậu sấy khô, tạo được hiệu quả tiêu thụ sản phẩm về lâu dài cho HTX, giá bán tốt hơn” - bà Bùi Phương Thanh kể.

Sau khi live stream trên TikTok, video còn được đăng trên trang Facebook (fanpage), được hàng ngàn người xem. Bà Bùi Phương Thanh cho biết, HTX sẽ tiếp tục live stream bán cho đến hết mùa mận hậu (đến khoảng giữa tháng 7/2023) và tiến tới xây dựng kênh “Nông sản Sơn La” trên TikTok để bán các sản phẩm OCOP (thuộc chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm”) gồm xoài, lê, mận, khoai sọ… tươi lẫn sấy khô.

30 phút livestream tại vườn, nông dân chốt 200 đơn hàng

Các thành viên Hợp tác xã Noọng Piêu (tỉnh Sơn La) live stream vườn mận hậu Phiêng Khoài vào chiều 5/6 trên TikTok

Ngoài hơn 50ha mận hậu với sản lượng 180 tấn trái/năm, HTX còn liên kết với nông dân để có thêm 90ha mận hậu với sản lượng 320 tấn trái/năm, trong đó có 30,5ha đã được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang EU, New Zealand, Mỹ. HTX nông sản bản địa Noọng Piêu đang được quy hoạch vào vùng sản xuất mận hậu công nghệ cao.

Bà Vũ Thị Lệ Thủy - Giám đốc HTX 3T Farm, kinh doanh nông sản huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình - cũng cho biết, HTX thường xuyên live stream giới thiệu vườn cam Cao Phong với diện tích 20ha, sản lượng 300 tấn trái/năm. Thông qua các buổi live stream, khách hàng không chỉ đặt mua cam Cao Phong về ăn mà còn làm quà tặng. Cũng có buổi, số đơn đặt mua không nhiều nhưng thông qua đó, khách hàng sỉ nắm được thời gian thu hoạch, sản lượng cam để đặt mua và HTX cũng có thêm nhiều khách hàng mới liên hệ mua sỉ. Cũng có khách hàng lẻ mua đến 50kg cam sau khi được tư vấn về cách chọn lựa quả cam ngon, ngọt.

Mỗi lần bà Lệ Thủy live stream trên Facebook, có hơn 1.000 lượt người theo dõi. Bà cho biết, đang tìm hiểu để đẩy mạnh live stream trên TikTok. “Khi live stream tại vườn, khách hàng rất tin tưởng bởi có sao thì mình giới thiệu vậy. Có lúc, HTX bán được 3 tấn cam/ngày nhờ live stream. Ngoài tăng sức tiêu thụ sản phẩm, việc live stream giúp khách hàng biết đến chất lượng sản phẩm và quy trình xử lý sản phẩm kỹ lưỡng sau thu hoạch của HTX”.

Theo bà Lệ Thủy, cần có các chương trình đào tạo kỹ năng live stream cho nông dân để giúp họ bán được nông sản nhanh, nhiều thông qua mạng xã hội.

Cần liên kết, hỗ trợ kỹ năng chonông dân

Hiện nay, có nhiều nhóm tiktoker hợp tác với HTX, nông dân tổ chức live stream tại vườn để bán trái cây tươi. Họ làm việc khá chuyên nghiệp và hiệu quả nhờ có đông người theo dõi sẵn. Tuy nhiên, do lợi nhuận thu được từ nông sản tươi không cao nên các HTX cũng không có kinh phí để mời các tiktoker nổi tiếng live stream.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, ngày càng nhiều HTX, nông dân tiếp cận được công nghệ, tổ chức live stream tại vườn, bán nông sản tươi khá hiệu quả. Họ bán chạy hàng là nhờ người thật, việc thật, thông tin rõ ràng về kỹ thuật trồng, chất lượng sản phẩm, giá cả, khiến người tiêu dùng tin rằng mình mua sản phẩm tận gốc. Tuy nhiên, hiện nay, khâu vận chuyển còn hạn chế. Do đó, chính quyền địa phương cần hỗ trợ nông dân, HTX về khâu hậu cần (logistics) để đảm bảo giao hàng nhanh, hoa quả tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, người bán phải giữ chữ tín, live stream hàng thế nào thì bán đúng như vậy.

Theo ông Vũ Vinh Phú, thông qua live stream, nông sản Việt Nam được người tiêu dùng trên thế giới biết đến nhiều hơn. Nhưng hiện nay, nông dân chủ yếu trồng trọt, buôn bán nhỏ, lẻ trong nội địa. Do đó, cần hợp tác, quy hoạch vùng trồng để đáp ứng được những đơn hàng lớn, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu. Để làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân, như liên kết họ vào HTX.

Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ - đánh giá, phần lớn nông dân quen kiểu làm việc cá thể, thiếu liên kết, hợp tác với nhau. Về lâu dài, làm nông nghiệp cá thể khó bán được hàng. Đặc biệt, khi muốn bán hàng ra nước ngoài, phải cho khách hàng biết vùng trồng, nguồn gốc nông sản, họ mới yên tâm mua hàng. Một số nhà vườn cũng đã nhận ra điều này nhưng họ vẫn chưa liên kết để hợp thành diện tích lớn.

Theo ông, muốn bán hàng ra nước ngoài, cần nhiều nhất là 1.000 mã vùng trồng nhưng Việt Nam hiện có hơn 5.000 mã vùng trồng. Thay vì 1 vùng trồng chỉ có 30ha, nông dân nên liên kết, hợp sức lại, tạo mỗi vùng trồng khoảng 200ha, sẽ tốt hơn, giúp nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam. Hiện vải thiều đang vào mùa thu hoạch nhưng nông dân vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” với diện tích nhỏ, chưa có trung tâm điều phối, tổ chức để mở rộng vùng trồng, đồng nhất chất lượng sản phẩm.

Ông cho rằng, đến nay, vẫn chưa thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tiêu chuẩn về quy trình chế biến, bảo quản nông sản. Từ khâu trồng trọt đến khâu bảo quản, xử lý nông sản sau thu hoạch vẫn đang được làm theo kiểu của nông dân, chưa cóchuẩn chung.

Chưa đầy 30 phút live stream,bán được 3 tấn sầu riêng

Mới đây, chỉ trong chưa đầy 30 phút live stream, anh Đặng Mạnh Khương - tức tiktoker (người sáng tạo nội dung trên TikTok) Khương Tây Đô, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - đã bán được 3 tấn sầu riêng Ri6 tại vườn. Anh nhận xét: “Triệu lời quảng cáo hay không bằng 1 giây hình ảnh thực tế. Việc giới thiệu, tư vấn thiệt tình dễ thuyết phục khách hàng, nhưng quan trọng hơn nữa là khi giao đến tay khách, chất lượng sản phẩm phải đúng như lời giới thiệu, mới giữ được khách lâu dài”.

Ngoài TikTok, anh Khương còn live stream trên Facebook giới thiệu vườn sầu riêng của các hộ trồng, với quy trình kỹ thuật rõ ràng, nguồn gốc minh bạch, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và anh đã bán được cả trăm tấn sầu riêng, giao đi cả nước. Theo anh, để thu hút đông người theo dõi, anh thường chọn thời điểm khách rảnh rỗi (giờ vàng của TikTok, Facebook) để live stream và làm nội dung càng chân thực càng tốt.

Nguyễn Cẩm

Chia sẻ bài viết: Chia sẻ
Theo Nguồn www.phunuonline.com.vn

30 phút livestream tại vườn, nông dân chốt 200 đơn hàng - Kinh Doanh