Anh nông dân kiếm hàng trăm triệu nhờ nuôi con “dị ứng với nước”

21/05/2024 13:31

Mô hình nuôi dúi của anh Trương Dụng (SN 1976, ngụ ấp 61, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) được đầu tư bài bản trong môi trường yên tĩnh, thông thoáng, sạch sẽ nên đàn dúi sinh sản nhanh và phát triển khỏe mạnh. Nhờ đó, gia đình anh luôn có sản phẩm xuất bán ra thị trường mỗi tháng, có được nguồn thu nhập khá.

Anh nông dân kiếm hàng trăm triệu nhờ nuôi con “dị ứng với nước”

Anh Trương Dụng thành công với mô hình nuôi dúi. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Chia sẻ về con đường khởi nghiệp, anh Dụng cho biết, anh luôn nghĩ đến việc tìm kiếm một mô hình chăn nuôi mới, có tính ổn định, bền vững, vừa phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế gia đình. Anh đã dành nhiều thời gian, cất công đi tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình chăn nuôi: gà, vịt, heo, dê, lươn, cá…, nhưng tất cả đều không phù hợp.

Cuối năm 2017, anh tình cờ đọc trên báo và biết một số người đã làm mô hình nuôi dúi và trở nên khấm khá. Anh đi tìm hiểu thì thấy mô hình nuôi dúi rất phù hợp với điều kiện của gia đình, vì chi phí đầu tư ban đầu thấp, kỹ thuật dễ làm, dễ nuôi, thời gian chăm sóc dúi rất ít…, trong khi giá thành sản phẩm luôn ổn định ở mức cao.

“Sau một thời gian nghiên cứu, tôi đã yêu thích mô hình nuôi dúi nên quyết định xây dựng ý tưởng và triển khai thực hiện cho bằng được”, anh Dụng kể với báo Đồng Nai.

Giữa năm 2018, anh Dụng chính thức bắt tay vào nuôi dúi. Chuồng heo cũ trước đây của gia đình được anh sửa chữa lại thành chuồng trại nuôi dúi để đỡ tốn kém. Sau đó, anh tìm đến một trang trại nuôi dúi quy mô lớn ở Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) mua 5 cặp giống dúi (4 con đực, 6 con cái) với giá 10 triệu đồng và mang về nuôi.

Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng về những kiến thức nuôi dúi nhưng khi bắt tay vào làm anh Dụng vẫn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, việc cho dúi ăn chưa đúng liều lượng theo từng mùa, chuồng trại làm chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến tình trạng ẩm ướt… Từ đó, con dúi chậm sinh trưởng, thậm chí hay mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi, nhưng anh không bỏ cuộc và cố gắng tìm cách khắc phục

Anh nông dân kiếm hàng trăm triệu nhờ nuôi con “dị ứng với nước”

Những chú dúi con tại chuồng nhà anh Trương Dụng. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

“Thời gian đầu, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm nên chưa thể làm tốt việc làm chuồng trại và chăm sóc dúi. Mỗi lần thất bại đã giúp tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu. Tôi còn tham gia các hội, nhóm nuôi dúi ở trên mạng và thông qua các diễn đàn này đã giúp cho bản thân học hỏi được nhiều điều bổ ích từ những người đi trước. Nhờ đó, tôi đã tự khắc phục được những khó khăn, hạn chế để đưa mô hình đi vào hoạt động ngày càng ổn định, bài bản”, anh Dụng nhớ lại.

Sau hơn 1 năm chăm sóc, 10 con dúi giống ban đầu đã trưởng thành và giao phối, sinh sản ra dúi con. Anh Dụng tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại và mua thêm 10 cặp con giống về nuôi. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, đúng kỹ thuật nên đàn dúi của gia đình anh phát triển khỏe mạnh và sinh sản nhanh.

Theo anh Dụng, để biết thời điểm dúi cái muốn động đực, nhìn vào vú và bộ phận sinh dục của nó, nếu thấy ửng hồng thì ghép 1 con đực vào chung lồng với con cái trong khoảng 20 ngày (cách phối giống chắc chắn và an toàn).

“Sau 20 ngày, khi dúi cái mang thai thì đưa con đực ra. Thời gian dúi mang thai khoảng 45 ngày thì sinh con. Nếu dúi cái đẻ lần đầu sẽ cho 1 - 2 con, từ lần sinh nở thứ 2 trở đi, dúi đẻ 3 - 5 con/lần. Khi dúi đẻ con, mình để con mẹ chăm nuôi con nó khoảng 40 ngày, sau đó mới tách đàn con ra lồng riêng, rồi nuôi thêm 6 - 7 tháng, lúc đó dúi con trưởng thành và cân nặng từ 1,8 - 2 kg/con, thì bán cho nhà hàng, quán ăn”, anh Trương Dụng chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.

Đến khi đàn dúi tăng gần 100 con, vấn đề đầu ra lại khiến anh “đau đầu”. Để giải quyết vấn đề này, anh Dụng đã tìm đến các nhà hàng, quán ăn có tiếng trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ và Tp. Biên Hòa (Đồng Nai) để tìm đầu ra và bán theo hình thức gối đầu (nhận tiền sau khi nhà hàng, quán ăn bán được).

“Dần dần, khi món thịt dúi được thực khách chấp nhận, mỗi tháng tôi xuất chuồng từ 10 - 15 con (trọng lượng từ 1,8 - 2 kg/con), giá bán thấp nhất 800.000 đồng/kg. Vào mùa khô, hàng khan hiếm nên giá bán cao hơn (từ 1,2 - 1,4 triệu đồng/kg dúi), thu về trung bình từ 15 - 23 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ công chăm sóc cũng lời khoảng 13 - 18 triệu đồng/tháng, vị chi mỗi năm cho lãi ròng gần 200 triệu đồng”, anh Trương Dụng cho biết.

Anh nông dân kiếm hàng trăm triệu nhờ nuôi con “dị ứng với nước”

Nuôi dúi không cần nhiều diện tích nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Ảnh: CTTĐT tỉnh Đồng Nai.

Thấy mô hình nuôi dúi của gia đình anh Trương Dụng cho thu nhập khá trong khi để nuôi con dúi không cần nhiều diện tích, cũng như ít tốn công, nhiều hộ dân ở xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) và nhiều địa phương khác đã tìm đến nhà anh Dụng để học hỏi kinh nghiệm, đều được anh Dụng chia sẻ tận tình.

Theo anh Dụng, làm chuồng nuôi dúi rất đơn giản, có nhiều kiểu chuồng. Do đặc tính của loài dúi hay ủi đất để làm hang, nếu nuôi trên đất vườn thì đổ bê tông làm sàn để dúi không thể ủi đất trốn ra ngoài, vách chuồng xây bằng gạch cao khoảng 60 cm, rồi chia thành từng ô nhỏ. Có người tận dụng sàn nhà bằng gạch bông và dùng những viên gạch lót sàn dựng lên thành từng ô, cứ mỗi 1 m2 chia thành 4 ô, mỗi ô có diện tích 50 x 50 cm, chiều cao khoảng 60 cm. Nhà anh Dụng chỉ sử dụng diện tích 25 m2, chia thành 80 ô, diện tích còn thừa được làm đường đi giữa các dãy ô, để người nuôi có thể đi thăm, cho từng con dúi ăn, cho dúi giao phối, tách đàn…

“Con dúi là loài ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn. Do đó, việc làm chuồng trại cũng cần lựa chọn vị trí phù hợp nhằm tạo môi trường sống yên tĩnh, mát mẻ để cho con dúi sinh trưởng, phát triển tốt”, anh Dụng chia sẻ.

Về thức ăn, dúi rất thích ăn thân tre hoặc lồ ô, do dúi là loài gặm nhấm, nên cứ khoảng 2 - 3 ngày người nuôi chỉ cần thả vào chuồng dúi từ 2 - 3 lóng tre, mỗi lóng dài khoảng 20 cm, nếu chuồng nuôi nhiều con thì cho số lóng tre tương ứng với số con. Nếu muốn bồi bổ thêm cho dúi, thỉnh thoảng cho 1 - 2 quả bắp vào chuồng. Đối với thức uống, loài dúi rất dị ứng với nước, vì thế để dúi không bị khát, người nuôi thường cho vào chuồng 1 - 2 lóng mía để không những giải quyết được khẩu phần ăn, mà còn bù nước uống cho dúi.

Anh Dụng lưu ý, khi đã xác định chọn nuôi dúi thì người nuôi phải đam mê, yêu thích loài động vật này và nắm chắc tập tính, thói quen của nó mới phát triển được. Người nuôi phải chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh chuồng trại thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ để con dúi phát triển tối đa và hạn chế bệnh tật.

Anh Trương Dụng cho biết thêm, sau thời gian phát triển mô hình nuôi dúi, đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình ở ấp 61, xã Sông Nhạn đã khá lên. “Để duy trì mô hình và có đủ nguồn dúi cung cấp cho nhà hàng, quán ăn, hiện nay chúng tôi đã lập tổ hợp tác gồm 5 hộ. Riêng trong dãy chuồng dúi của gia đình tôi luôn có lượng dúi hậu bị gồm: 30 con cái để sinh sản, 10 con đực để phối giống và 30 dúi con để dự trữ”, anh Trương Dụng nói.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Thái Văn Lộc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, mô hình nuôi dúi của anh Trương Dụng rất có hiệu quả kinh tế. Vì vậy, được sự đồng ý của Đảng ủy - UBND xã, Hội Nông dân đã cho nhân rộng mô hình này và đã xây dựng được các tổ hợp tác nuôi dúi, đời sống kinh tế của những hộ nuôi loài này được nâng cao thấy rõ, vì giá của dúi rất đắt, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới nâng cao. Mô hình này cũng được đem đi triển lãm tại một số hội nghị về sản xuất nông nghiệp.

Minh Hoa (t/h)

Theo Nguồn www.nguoiduatin.vn

Anh nông dân kiếm hàng trăm triệu nhờ nuôi con “dị ứng với nước” - Đời Sống