Bản tin 2/6: Hạn chế tối đa tuyển sinh trái tuyến

03/06/2024 10:57

Hạn chế tối đa tuyển sinh trái tuyến; Nam tài xế xe bus cứu người bị nạn bất tỉnh: "Nếu có bị trừ lương, đuổi việc tôi vẫn cứu người"...

Hạn chế tối đa tuyển sinh trái tuyến

Bản tin 2/6: Hạn chế tối đa tuyển sinh trái tuyến

Giáo viên Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) hỗ trợ cha mẹ học sinh đăng ký tuyển sinh lớp 1 năm học 2023-2024. Ảnh: Báo Hà Nội Mới.

Theo Hà Nội Mới ban chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội yêu cầu, ban chỉ đạo thi, tuyển sinh các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 đúng quy trình, quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Ban chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố lưu ý các đơn vị kiểm soát chặt chẽ quy trình tổ chức tuyển sinh tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến. Các đơn vị không tiếp nhận học sinh trái tuyến khi nhà trường đã đủ chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố cũng yêu cầu các nhà trường không được tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1 và khảo sát học sinh đầu năm học.

Theo kế hoạch, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trên địa bàn thành phố tổ chức tuyển sinh trẻ mầm non và học sinh lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025 từ ngày 1-7-2024. Cha mẹ học sinh có thể lựa chọn 1 trong hai hình thức làtrực tuyến hoặc trực tiếp đến trường đăng ký tuyển sinh.

Hiện tại, kế hoạch tuyển sinh, trong đó có phương án phân tuyến tuyển sinh của 30 quận, huyện, thị xã đã được công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: https://tsdaucap.hanoi.gov.vn/.

Nam tài xế xe bus cứu người bị nạn bất tỉnh: "Nếu có bị trừ lương, đuổi việc tôi vẫn cứu người"

Bản tin 2/6: Hạn chế tối đa tuyển sinh trái tuyến

Nam tài xế cứu người.

Trưa 31/5 khi đang lưu thông trên đường chở khách đi qua thôn Thổ, xã Minh Quang, lái xe bus Tiến nhận được cái vẫy tay cứu người của anh Nguyễn Tiến Phúc. Anh Phúc và vợ là chị Nguyễn Phương Anh trong lúc đi làm từ Hà Nội về đến địa điểm thôn Thổ thì không may gặp nạn, cả người và xe lao xuống ruộng ngô.

Thông tin ban đầu trên Công Thương thởi điểm trưa vắng, anh Phúc cố bò lên lề đường kêu cứu, còn vợ bất tỉnh dưới ruộng ngô. Lúc này, xe bus do anh Tiến đi qua thấy người bị nạn, anh Tiến dừng xe rồi cùng phụ xe và hành khách đưa vợ chồng anh Phúc đến bệnh viện Quân y 105 tại thị xã Sơn Tây cấp cứu. Đồng thời, anh Tiến cũng dừng việc bắt khách để đảm bảo việc cứu người.

Việc làm của anh Tiến được người dân chụp lại đưa lên mạng xã hội. Nhiều người theo dõi hình ảnh lái xe và người dân cứu người đã để lại nhiều lời động viên, chúc phúc.

Trao đổi với Báo Công Thương, anh Chu Việt Tiến cho biết, khi nhận tín hiệu kêu cứu, tôi không do dự dừng xe và báo cáo về Xí nghiệp để cứu người. Lúc này, trên xe cũng có mấy khách cùng hỗ trợ đưa vợ chồng anh Phúc lên xe.

“Chúng tôi lái xe thường xuyên gặp người bị nạn và đưa đi cấp cứu, đối với tôi đây là việc nhỏ không biết ai chụp hình đưa lên mạng, từ hôm qua nhiều người gọi điện hỏi thăm”, anh Tiến chia sẻ.

Cũng theo anh Tiến, ở bất cứ thời điểm, tình huống nào nếu gặp người bị nạn, anh đều sẵn sàng cứu giúp xuất phát từ tâm của mình. Còn trong trường hợp cần cứu người khẩn cấp, không kịp báo cáo về xí nghiệp: “Nếu có bị trừ lương, đuổi việc tôi vẫn sẽ cứu người”.

Anh Tiến cho biết, xí nghiệp xe bus nơi anh làm việc luôn tạo điều kiện hết mức để các lái xe khi gặp trường hợp người bị nạn sẵn sàng dừng xe để cứu người. Tuy nhiên, lái xe cần báo về để xí nghiệp nắm được.

Ông Trần Tuấn Anh - người giám sát hoạt động tuyến xe bus 110 thuộc Xí nghiệp xe bus 110 cho biết, phía xí nghiệp luôn khuyến khích việc lái xe trên đường gặp người bị nạn thì phải dừng xe cứu người.

"Bản thân xe bus là phục vụ người dân. Do đó, cứu người cũng là phục vụ người dân, nhất là trong trường hợp này phải đặt ưu tiên cứu người lên hàng đầu", ông Tuấn Anh cho hay.

Ông Tuấn Anh cũng cho biết thêm, phía xí nghiệp đã nắm sự việc và lập hồ sơ để có hình thức khen thưởng đối với lái xe Chu Việt Tiến và phụ xe.

Cụ ông 71 tuổi phát hiện bệnh nguy hiểm từ dấu hiệu nuốt nghẹn

Bản tin 2/6: Hạn chế tối đa tuyển sinh trái tuyến

Thông tin ban đầu trên báo Đầu Tư, ông Thanh, 71 tuổi, nuốt nghẹn, vướng họng mỗi khi ăn uống, bác sĩ khám phát hiện mắc bệnh co thắt tâm vị và thoát vị khe hoành.

Cụ thể ông Thanh bị trào ngược dạ dày - thực quản khoảng 3-4 tháng nay. Kết quả chụp X-quang có thuốc cản quang, nội soi đường tiêu hóa trên (dạ dày), đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao (HRM) tại bệnh viện cho thấy ông Thanh bị chứng co thắt tâm vị do rối loạn nhu động thực quản (tâm vị mất khả năng giãn) và thoát vị khe hoành thực quản.

Bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp Heller (cắt cơ vòng dưới thực quản qua ngả bụng), kết hợp tạo van chống trào ngược, đồng thời khâu lỗ khe hoành qua nội soi bụng. Phẫu thuật kết hợp này giúp giải quyết những triệu chứng nuốt vướng, nuốt khó, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.

Sau khi gây mê nội khí quản cho ông Thanh, bác sĩ nội soi qua ngả bụng qua các đường rạch nhỏ và quan sát từ màn hình video. Bác sĩ phân tích thực quản và các bộ phận phía dưới, xẻ mở cơ thực quản một đoạn 6cm, dạ dày một đoạn 2 cm dưới tâm vị, khâu hẹp lỗ hoành thực quản, tạo van chống trào ngược.

Hậu phẫu, người bệnh đáp ứng tốt, vết mổ khô và xuất viện sau hai ngày. Một tuần đầu bệnh nhân ăn được đồ lỏng, từ tuần thứ hai chuyển dần sang chế độ ăn đặc hơn, sức khỏe ổn định, không còn nuốt nghẹn, nuốt vướng hay trào ngược dạ dày thực quản về đêm.

TS.Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Tp.HCM cho biết, co thắt tâm vị và thoát vị khe hoành thực quản ít gặp, triệu chứng có thể bị nhầm lẫn như khó nuốt, ợ, đau và khó chịu ở ngực, dẫn đến ăn uống kém, sụt cân.

Thông thường người bệnh chỉ mắc một trong hai bệnh này. Trường hợp ông Thanh phát hiện hai bệnh cùng lúc, được bác sĩ phẫu thuật nội soi trong một cuộc mổ thuận lợi.

Co thắt tâm vị là sự thoái hóa tiến triển của những tế bào hạch trong đám rối thần kinh thực quản tại thành thực quản. Điều này khiến cơ thực quản dưới không thể giãn, đi kèm mất nhu động ở đoạn xa nên cơ vòng dưới thực quản không thể mở ra hoàn toàn để đẩy thức ăn xuống dạ dày, làm thức ăn ứ đọng gây ra triệu chứng khó nuốt, nuốt vướng.

Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ điều trị phù hợp như dùng bằng thuốc, can thiệp (nong, cắt cơ vòng dưới qua phẫu thuật nội soi hay qua ngả miệng). Thuốc chỉ có tác dụng tạm thời và áp dụng với người bệnh không thể chịu được can thiệp do các bệnh nội khoa nặng đi kèm.

Bác sĩ Hùng cho biết phương pháp nong bóng có ưu điểm là hiệu quả tức thì, thời gian thực hiện nhanh (5-7 phút), song tái phát cao nên có thể phải thực hiện nhiều lần. Phẫu thuật nội soi cắt cơ vòng dưới thực quản tuy xâm lấn hơn nhưng kết quả lâu dài và tốt hơn.

Thoát vị khe hoành thực quản xảy ra khi một phần dạ dày chui lên lồng ngực. Thông thường, dạ dày nằm dưới cơ hoành, là cơ mỏng hình vòm ngăn cách giữa các cơ quan trong lồng ngực và ổ bụng.

Thực quản là ống đưa thức ăn từ miệng xuống dạ dày và đi qua một lỗ trên cơ hoành xuống bụng. Khi xảy ra tình trạng thoát vị khe hoành thì dạ dày lại chui qua lỗ trên cơ hoàng và lên ngực.

Thoát vị nhỏ thường không có triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ khi khám bệnh lý khác hay chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng ngực-bụng.

Khi thoát vị lớn, người bệnh có thể gặp các triệu chứng nóng rát sau xương ức, khó nuốt, đau bụng, đau ngực, hạn chế hô hấp, viêm loét dạ dày thực quản. Nguyên nhân của bệnh lý này có thể do bẩm sinh, tuổi tác, ho kéo dài, trào ngược dạ dày - thực quản kéo dài, nôn, rặn, tập thể dục hay mang vác nặng.

Bác sĩ Minh Hùng cho biết co thắt tâm vị và thoát vị khe hoành thực quản nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Cần đến những cơ sở có kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý này khi có các triệu chứng lâm sàng kể trên.

Trúc Chi (t/h)

Theo Nguồn www.nguoiduatin.vn

Bản tin 2/6: Hạn chế tối đa tuyển sinh trái tuyến - Đời Sống