Thời gian qua, số lượng bệnh nhân trong khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Hữu nghị) tăng lên. Các bệnh nhân luôn trong tình trạng huyết áp không ổn định hoặc có bệnh nhân đi khám có tình trạng đau tức ngực.
Cụ ông Đ.T.H, 80 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội có tiền sử tăng huyết áp khoảng 10 năm nay. Tuy nhiên bệnh nhân không đi khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Vừa qua, huyết áp của cụ tăng cao, người nhà đưa ông đi khám tại phòng khám tim mạch. Ngay sau đó, bệnh nhân có thêm tình trạng tức ngực và được chuyển vào điều trị nội trú tại khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị. Quá trình nằm viện bệnh nhân được theo dõi tình trạng huyết áp cũng như làm thêm các xét nghiệm lâm sàng để đánh giá tình trạng bệnh tim mạch kèm theo. Sau thời gian điều trị, tình trạng huyết áp của bệnh nhân đã ổn định hơn, bệnh nhân không còn dấu hiệu của tình trạng huyết áp cao.
Bệnh nhân điều trị bệnh tim mạch tại Bệnh viện Hữu nghị.
Một bệnh nhân nam 82 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng hiện đang điều trị huyết áp và bệnh rung nhĩ tại Bệnh viện Hữu nghị. Được biết, cách đây khoảng 6 năm, bệnh nhân có triệu chứng khó thở, tức ngực và đi khám phát hiện bệnh nhân bị tăng huyết áp và kèm theo bệnh lý rung nhĩ, có rối loạn chuyển hóa lipid. 6 năm nay, bệnh nhân thường xuyên đi khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ chế độ ăn, uống thuốc điều độ. Thời điểm này, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, tần số tim trong giới hạn cho phép với bệnh nhân rung nhĩ.
ThS.BS Phạm Hương Giang, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị cho biết, hiện nay không chỉ đối tượng người cao tuổi, độ tuổi mắc mới bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa, có khoảng 5-12% người trẻ mắc bệnh tăng huyết áp. Bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa tăng lên, kéo theo hệ lụy bệnh nhân mắc tim mạch ngày càng trẻ hơn có thể do tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim.
“Hiện trên thế giới có 1,4 tỷ người mắc bệnh tăng huyết áp và dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ lên 1,5 tỷ người. Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu trong việc gây tử vong. Về lâu dài có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác như tim, não, thận, mắt. Một số trường hợp huyết áp cao, tăng một cách đột ngột như các cơn đột quỵ sẽ gây nặng nề không chỉ cho bệnh nhân mà còn kéo theo các vấn đề xã hội”- BS Phạm Hương Giang cho biết.
BS Hương khuyến cáo người dân hãy quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn, khám bệnh định kỳ, thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị cũng như tuân thủ chế độ sinh hoạt hợp lý để giữ gìn sức khỏe. Từ đó sẽ hạn chế bớt những nguy cơ rủi ro do bệnh lý tim mạch gây ra.
“Chúng ta cần tránh tình trạng có lối sống tĩnh tại, chế độ vận động giảm, ăn quá nhiều dầu mỡ, đặc biệt là các loại thức ăn nhanh, sinh hoạt không điều độ dẫn đến nguy cơ tăng bệnh huyết áp, tim mạch càng cao”- BS Hương chia sẻ.
Theo các chuyên gia y tế, chúng ta cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh tim mạch, bao gồm: Chế độ ăn giảm muối, giảm mỡ, giảm tinh bột. Có thể thực hiện bằng cách giảm lượng muối trong khi nấu nướng, hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, món ăn công nghiệp, đồ hộp... tăng cường đậu, cá.
Tăng cường ăn rau quả xanh, ngũ cốc... Chất xơ trong rau quả giúp nhuận tràng, giảm áp lực ổ bụng, tăng đào thải các Cholesterol trong thành mạch máu giúp mạch máu mềm mại đàn hồi tốt, chống được xơ vữa.
Không hút thuốc lá, thuốc lào; Hạn chế sử dụng bia rượu. Bởi rượu bia làm tăng huyết áp, triglycerit (một loại chất béo) trong máu và cân nặng cơ thể, dẫn tới các bệnh tim mạch. Những người có tiền sử cao huyết áp sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tim và đột quỵ khi uống bia rượu.
Thường xuyên rèn luyện tập thể dục thể thao khoảng 30-45 phút/ngày/tuần giúp giảm đường, mỡ, huyết áp và tránh được những bệnh tim mạch, nâng cao thể chất, tinh thần./.