Biến động sốc của cổ phiếu 8 hãng xe điện đang niêm yết tại Mỹ gồm cả Tesla

24/08/2023 12:59

Biến động sốc của cổ phiếu 8 hãng xe điện đang niêm yết tại Mỹ gồm cả Tesla

Mạnh Hà Xem các bài viết của tác giả

23/08/2023   08:10 (GMT+07:00)

Thị trường xe điện đang ở thời kỳ đầu phát triển. Dù tiềm năng rất lớn nhưng khó khăn cũng nhiều, cạnh tranh khốc liệt, không phải startup nào cũng thành công. Đây có thể là lý do khiến nhiều cổ phiếu xe điện tăng sốc rồi giảm sâu.

Tăng sốc, giảm sâu

Sau khi lên sàn chứng khoán quốc tế ngày 15/8 với mức giá tăng chóng mặt, cổ phiếu của hãng xe thuần điện VinFast của Việt Nam quay đầu giảm mạnh và sau 3 phiên lại bất ngờ bật tăng.

Từ mức giá hơn 37 USD/cp phiên chào sàn Nasdaq của Mỹ, cổ phiếu VinFast đã giảm 58,4% xuống còn 15,4 USD ngày 18/8. Vốn hóa của VinFast giảm từ mức 85 tỷ USD xuống còn 35,4 tỷ USD.

Đóng cửa phiên 21/8 (rạng sáng 22/8 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast (VFS) tăng gần 14,2% lên 17,58 USD/cp. Với giá cổ phiếu này, VinFast hiện có vốn hóa 40,5 tỷ USD.

Thông thường, cổ phiếu của các hãng xe ô tô điện chào sàn chứng khoán quốc tế có xu hướng tăng giá rất mạnh và sau đó không ít mã giảm sâu. Kỳ vọng của giới đầu tư vào các hãng xe điện thường rất cao nhưng đây là một lĩnh vực mới, khó khăn còn nhiều.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, hiện tượng giá cổ phiếu biến động mạnh khi mới niêm yết cũng là điều thường thấy, đặc biệt đối với các mã cổ phiếu công nghệ hoặc/và các cổ phiếu niêm yết thông qua SPAC - một hình thức niêm yết cửa sau (back door listing), hoặc thâu tóm ngược (reverse merger).

Biến động sốc của cổ phiếu 8 hãng xe điện đang niêm yết tại Mỹ gồm cả Tesla

Các cổ phiếu xe ô tô điện trên thế giới thường biến động rất mạnh. (Biểu đồ: M. Hà)

Nhiều mã cổ phiếu ô tô điện như Rivian, Nikola Corp hay Lucid giảm giá mạnh sau khi niêm yết qua hình thức SPAC.

Giá cổ phiếu hãng xe điện Rivian của Mỹ giảm mạnh từ đỉnh cao 130 USD/cp (giá chào sàn) hồi giữa tháng 7/2021 xuống còn 21 USD/cp như hiện tại (tương đương giảm 6,2 lần). Cổ phiếu NIO của Trung Quốc (một hãng xe từng được xem là "sát thủ" của Tesla cách đây nửa thập kỷ) giảm từ đỉnh 62 USD/cp hồi đầu năm 2021 xuống còn 10,9 USD/cp.

Cổ phiếu hãng xe Lucid Group (LCID) của Mỹ cũng giảm mạnh từ đỉnh hơn 58 USD (tháng 11/2021) xuống còn 6,18 USD/cp như hiện tại, thấp hơn giá chào sàn ở mức 10 USD/cp (tháng 9/2020).

Hãng xe điện Nikola của Mỹ thậm chí giảm từ đỉnh gần 66 USD (giữa năm 2020) xuống còn 1,8 USD/cp như hiện tại, tương đương mức giảm gần 37 lần. Nếu so với mức giá chào (giữa năm 2018), mức giảm khoảng 5,3 lần (từ khoảng 9,6 USD/cp).

Người sáng lập và từng điều hành hãng xe Nikola, ông Trevor Milton đã bị buộc tội lừa đảo, đang chờ phán quyết (dự kiến trong tháng 9/2023) và có thể phải ngồi tù 20 năm với cáo buộc đưa ra những tuyên bố sai lệch về sản phẩm và năng lực của công ty trong nhiều cuộc phỏng vấn trên truyền hình cũng như mạng xã hội. Nhiều nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu của Nikola, trong khi công ty chưa hề có doanh thu.

Ông lớn Tesla thời kỳ đỉnh cao có giá hơn 400 USD/cp và giá hiện tại là hơn 220 USD/cp.

Có thể thấy, nhiều hãng xe điện (EV) trên thế giới lên sàn có những thời điểm có vốn hóa tăng rất mạnh, rồi sau đó tụt giảm. Trevor Milton thành lập Nikola vào năm 2014 và đưa vốn hóa doanh nghiệp này có thời điểm đạt đỉnh 34 tỷ USD trên sàn chứng khoán Nasdaq. Vốn hóa của hãng xe này sau đó giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 1,3 tỷ USD.

Với hãng xe Lucid, so với mức chào sàn với vốn hóa 24 tỷ USD thông qua một hợp đồng SPAC năm 2021, doanh nghiệp này ghi nhận vốn hóa giảm xuống còn 15,5 tỷ USD. Còn nếu so với đỉnh cao hồi giữa tháng 11/2021, vốn hóa của doanh nghiệp này giảm gần 10 lần.

Cuộc chiến khốc liệt

Thị trường xe điện vẫn ở thời kỳ đầu phát triển. Kỳ vọng về các hãng xe là rất lớn trong bối cảnh đây được xem là xu hướng phát triển của tương lai và được dự báo sẽ đạt 30 triệu xe bán ra vào năm 2028 và chiếm tới 48% tổng số ô tô du lịch vào năm 2030.

Trong vài năm gần đây, nhiều hãng xe điện mới ra đời. Các hãng xe xăng truyền thống cũng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực xe điện. Cuộc cạnh tranh giành vị trí dẫn đầu trên thị trường các phương tiện tương lai ngày càng gay gắt.

Làn sóng ra đời các hãng xe điện xuất hiện. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có những ông lớn mới xuất hiện, nhưng cũng có thể nhiều hãng xe không trụ nổi và có thể biến mất trong tương lai.

Gần đây, theo Korea Times, 3 tập đoàn của Hàn Quốc, gồm Samsung, SK và LG sẽ hợp tác với hãng xe Hyundai Motor Group để thành lập liên minh xe điện. Liên minh này được đánh giá sẽ tạo ra các sản phẩm tổng hợp tất cả những giá trị tốt nhất của các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn và sẵn sàng thách thức các đối thủ.

Biến động sốc của cổ phiếu 8 hãng xe điện đang niêm yết tại Mỹ gồm cả Tesla

Giá và vốn hóa một số hãng xe điện trên thế giới tính tới 21/8.

Liên minh sẽ tận dụng lợi thế của từng ông lớn, như các loại chip dành cho hệ thống lái xe tự động của Samsung, pin của SK để lắp đặt trong các loại xe điện do Hyundai và Kia sản xuất. Bảng điều khiển đi-ốt phát quang hữu cơ (OLED) của LG cũng sẽ có trong sản phẩm xe điện của liên minh này.

Đây là một động thái mà các tập đoàn Hàn Quốc chuẩn bị cho kỷ nguyên của các phương tiện trong tương lai, bao gồm cả ô tô điện và ô tô tự hành.

Cuộc chiến trên thị trường EV trở nên khốc liệt hơn khi trong gần một năm qua, Tesla của tỷ phú Elon Musk khơi mào một cuộc chiến về giá gay gắt trong lĩnh vực xe điện, tại một thị trường mà xe điện phát triển rất mạnh là Trung Quốc.

Theo Business Insider, cuộc chiến giá cả mà Tesla khơi mào đã khiến một tỷ phú xe điện Trung Quốc mất 75% tài sản. Nhà đồng sáng lập, chủ tịch kiêm CEO của nhà sản xuất Xpeng He Xiaopeng chứng kiến khối tài sản tụt giảm từ 5,5 tỷ USD hồi đầu năm 2021 xuống 1,4 tỷ USD.

Biến động tài sản của He Xiaopeng thậm chí chưa phản ánh được thực tế lên xuống dữ dội của cổ phiếu Xpeng (niêm yết tại Mỹ). Trên thực tế, cổ phiếu hãng xe điện Xpeng có lúc lên hơn 64 USD/cp hồi đầu năm 2021 và xuống dưới 7 USD hồi cuối năm 2022.

Cuộc chiến hạ giá của Tesla được cho là nguyên nhân dẫn tới việc doanh thu quý I/2023 của Xpeng giảm 50% so cùng kỳ năm trước, xuống còn khoảng 570 triệu USD. Lỗ ròng cũng tăng mạnh lên khoảng 330 triệu USD, so với 239 triệu USD cùng kỳ năm trước.

NIO, hãng xe điện Trung Quốc được gọi là "sát thủ" của Tesla gần đây phải đốt thêm nhiều tiền để cạnh tranh tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới (Trung Quốc) khi hãng đối mặt trong cuộc chiến giá. Doanh số bán hàng của NIO giảm mạnh khi Tesla giảm giá, sức cầu giảm và Trung Quốc ngừng trợ cấp cho người mua xe điện.

XPeng đang đối mặt với tình trạng tiền mặt cạn kiệt trong khi công nghệ đang dần bị các đối thủ bắt kịp. Đây cũng là tình trạng mà Rivian và Lucid của Mỹ đang gặp phải.

Theo một đánh giá gần đây của Nomura, nhiều startup xe điện dễ tổn thương hơn hãng xe lâu đời. Theo đó, các hãng xe lâu đời vẫn còn trông cậy được vào nguồn tiền từ việc bán xe xăng.

Biến động sốc của cổ phiếu 8 hãng xe điện đang niêm yết tại Mỹ gồm cả Tesla

Cổ phiếu VinFast giảm tiếp, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn 21,2 tỷ USDCổ phiếu VinFast tiếp tục giảm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Vốn hóa còn 35 tỷ USD. Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm.

Bình luận

Theo Nguồn vietnamnet.vn

Biến động sốc của cổ phiếu 8 hãng xe điện đang niêm yết tại Mỹ gồm cả Tesla - Tin Tức