Thị trường chứng khoán diễn biến khá tích cực sau Hội nghị tín dụng đối với bất động sản. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán bứt phá, trong khi đó nhóm cổ phiếu địa ốc và xây dựng lại khá trầm lắng.
Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.Cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, tuy chưa đưa ra các thông tin hỗ trợ cần thiết, nhưng sự cố gắng trong việc tìm kiếm giải pháp, theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, là tích cực.
Trong phiên giao dịch ngày 14/11, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bán lẻ diễn biến tích cực nhất. Chỉ số VN-Index trong buổi sáng có lúc tăng hơn 13 điểm.
Đóng cửa phiên chiều 14/11, chỉ số VN-Index tăng 9,66 điểm (+0,88%) lên 1.109,73 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng giá và giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Toàn bộ 13 mã ngân hàng trong nhóm 30 cổ phiếu trụ cột VN30 đều tăng giá vào cuối buổi sáng. Trong đó, cổ phiếu VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng tăng mạnh. Cổ phiếu BIDV, Vietinbank (CTG), Vietcombank (VCB), Eximbank (EIB), Sacombank (STB)... cũng tăng ấn tượng.
Toàn bộ nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán gần như tăng giá.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/11, thị trường diễn biến khá giống với xu hướng buổi sáng, với đa số các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán bứt phá. Trong khi đó, nhóm bất động sản lại chịu áp lực bán khá cao.
Đóng cửa phiên chiều 14/11, chỉ số VN-Index tăng 9,66 điểm (+0,88%) lên 1.109,73 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,58% lên 227,43 điểm. Trong số 13 mã ngân hàng thuộc nhóm VN30, chỉ có HDBank (HDB) quay đầu giảm nhẹ, còn lại đều tăng. Trong đó, Sacombank (STB) tăng khá mạnh thêm 750 đồng lên 30.000 đồng/cp; BIDV (BID) tăng 900 đồng lên 43.000 đồng/cp; Techcombank (TCB) tăng 600 đồng lên 31.500 đồng/cp.
Trong vài chục mã cổ phiếu chứng khoán, chỉ có 3 mã quay đầu giảm, còn lại đều tăng.
Thanh khoản trên toàn thị trường vẫn duy trì được mức khá cao, đạt tổng cộng 19.000 tỷ đồng, trong đó có gần 17.000 tỷ đồng trên HOSE.
Tại cuộc họp giữa NHNN, hệ thống ngân hàng với các doanh nghiệp bất động sản, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho hay, bất động sản là ngành kinh tế quan trọng. Đây là chủ trương rõ ràng của Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý. Cho đến nay, chưa có ngành nào được sự quan tâm nhiều như vậy, riêng năm qua có tới 4-5 hội nghị, 3-4 chỉ đạo từ cơ quan quản lý.
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng.
Tuy chủ trương đã rất rõ ràng, nhưng thị trường bất động sản vẫn gặp khó bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là khó khăn của nền kinh tế, khủng hoảng về trái phiếu... Về chủ quan, 70-80% khó khăn đến từ các quy định chính sách của cơ quan Nhà nước, vấn đề pháp lý, quá trình thực thi.
Theo ông Vinh, tháo gỡ vấn đề bất động sản chủ yếu là việc cải cách thể chế, pháp lý từ các cơ quan nhà nước. Còn các ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay, “chỉ có đợi".
Ông Vinh kiến nghị nhà điều hành gia hạn thêm Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, xem lại hệ số rủi ro của các khoản vay lĩnh vực bất động sản (hiện đều ở mức 200%) và xem xét lại đối tượng áp dụng gói hỗ trợ lãi suất 2%, áp dụng cho cả người mua nhà vì đây là nhu cầu chính đáng.
CEO VPBank cũng cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần nhìn lại và thay đổi chính mình xem đã hoạt động lành mạnh, minh bạch thông tin chưa. Doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận bán bớt tài sản, kể cả lỗ.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, nếu các dự án bất động sản có đầy đủ pháp lý thì đó là lĩnh vực rất an toàn, ngân hàng sẵn sàng cho vay. VPBank cam kết từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục giải ngân khoảng 10.000 tỷ cho lĩnh vực bất động sản, tập trung vào các dự án tốt, bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở. Như Novaland, nếu xong vấn đề pháp lý thì VPBank cũng giải ngân ngay.
Một tín hiệu cũng khá tích cực đối với hệ thống ngân hàng là tình hình thanh khoản tốt. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng lại xuống mức rất thấp, xuống chỉ còn 0,62%/năm hôm 10/11.
NHNN gần đây ngừng hút tiền về qua kênh tín phiếu 4 phiên liên tục, còn tín phiếu đến hạn khá lớn, tuần qua bơm ròng ra thị trường 50.000 tỷ đồng. Tình trạng đó có thể tiếp diễn trong tuần này, khi hôm 13/10, NHNN cũng không phát hành tín phiếu, trong khi tín phiếu vẫn tiếp tục đến hạn.
Diễn biến này cho thấy, trong 2 tháng cuối năm, nhiều khả năng xu hướng tín dụng giá rẻ sẽ tiếp tục.
Thanh khoản dồi dào trên hệ thống ngân hàng có thể tác động tích cực tới thị trường chứng khoán nói chung và các công ty chứng khoán nói riêng.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán cũng đang được cải thiện. Sáng 14/11, giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt gần 10.000 tỷ đồng, trong đó có gần 8.850 tỷ đồng trên HOSE.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán còn bứt phá nhờ kỳ vọng về khả năng hệ thống giao dịch công nghệ Hàn Quốc KRX sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.
Nhiều công ty chứng khoán cũng đang chờ đón cơ hội để bứt phá. Chứng khoán ACBS vừa thông báo công ty nhận được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính về việc tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ, lên mức 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn góp đến từ chủ sở hữu là ngân hàng mẹ, Ngân hàng ACB.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bán lẻ bật tăng trở lại sau chuỗi ngày giảm sâu. Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài tăng 1.550 đồng lên 41.550 đồng/cp. Giới đầu tư kỳ vọng sức cầu tiêu dùng sẽ gia tăng trong dịp Tết sắp tới.
Thế Giới Di Động vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10, lần đầu tiên trong năm 2023 doanh thu theo tháng tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết doanh thu các chuỗi cửa hàng của MWG như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh,... đều tăng trưởng dương.
MWG hiện có hơn 20.000 tỷ đồng gửi ngân hàng và ông Nguyễn Đức Tài đã đề cập tới việc mua cổ phiếu quỹ.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu chững lại, trong đó có nhóm bất động sản. Giới đầu tư có dấu hiệu thận trọng với nhóm cổ phiếu này, hầu hết đang chờ đợi những tín hiệu chính sách rõ ràng hơn.
Mạnh Hà