Nhà giáo mẫu mực, nhà nghiên cứu văn học xuất sắc
Dương Quảng Hàm, tự Hải Lượng, sinh ngày 14/7/1898 trong một gia đình có truyền thống Nho học ở làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Gia đình GS Dương Quảng Hàm năm 1954. (Ảnh tư liệu của gia đình nhân vật)
Cha là Dương Trọng Phổ (1862 - 1927), một nhà Nho yêu nước, có tư tưởng canh tân, từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào Đông Du.
Anh là Dương Bá Trạc, một trong những sáng lập viên Đông Kinh nghĩa thục.
Em là Dương Tụ Quán, nhà giáo, nhà văn, nhà báo yêu nước.
Hồi nhỏ, ông học chữ Hán, sau chuyển sang Tây học.
Năm 1920, ông tốt nghiệp Thủ khoa Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội với luận văn "Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ".
Sau đó, ông được phân bổ dạy ở Trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi), lúc đầu dạy Pháp văn, Sử, Việt văn, sau chuyển sang dạy Việt văn bậc Trung học.
Kể từ đó ông gắn bó với nghề dạy học và cũng chỉ dạy duy nhất ở trường này. Dương Quảng Hàm là một nhà giáo tận tụy với nghề, với học trò trong một tình yêu nước sâu sắc.
Ông dạy học trong một cảm hứng yêu nước; ông truyền tinh thần và tình cảm đó cho học trò thông qua những bài giảng về văn chương của dân tộc.
Nhà giáo Nguyễn Lân là học trò của ông tại trường Bưởi đã nhớ lại: "Về Việt văn, anh em chúng tôi coi đó là hai giờ vô cùng thiêng liêng. Lại được thầy Hàm dạy, thì thầy trò cùng như thống nhất trong một lý tưởng cao cả.
"Thầy sẵn có một vốn Hán học sâu rộng, cộng vào đó là một lòng yêu nước tha thiết của truyền thống gia đình. Cho nên, giờ dạy Việt văn của thầy đối với chúng tôi chẳng khác nào một buổi thuyết pháp của một giáo sĩ cho những con chiên.
"Chính nhờ những bài giảng Việt văn của thầy mà chúng tôi biết yêu tiếng Việt giàu và đẹp, biết thưởng thức và tôn trọng nền văn học phong phú của ông cha để lại".
Ngoài dạy học, Dương Quảng Hàm còn là một nhà nghiên cứu, từ sớm đã có nhiều bài đăng trên các báo Nam Phong, Hữu Thanh, Tri Tân và các báo tiếng Pháp.
Ông là một trong những nhà biên soạn sách giáo khoa về Việt văn nổi tiếng. Ông muốn tự mình làm công việc này để không chỉ truyền thụ kiến thức về văn chương cho học trò mà còn để tôn vinh và phát triển nền văn học nước nhà.
Cuốn sách đầu tiên ông biên soạn là Quốc văn trích diễm (Nghiêm Hàm ấn quán xuất bản, Hà Nội, 1925); tiếp đến là Lecon d’ Histoire d’ Annam (Những bài giảng lịch sử An Nam, 1927), Lectures littéraires sur L’ Indochine, 1929 (Bài tuyển văn học về Đông Dương, biên soạn cùng với Pujarnicle), Tập bài thi bằng sơ học yếu lược (1927, soạn chung với Dương Tụ Quán), Recueil de dicteé au CEP (Những bài chính tả thi tiểu học, NXB Đông Tây, Hà Nội, 1929), Văn học Việt Nam (1939), Việt văn giáo khoa thư, bậc Cao đẳng tiểu học (Nha học chính Đông Pháp xuất bản, Hà Nội, 1940), Việt Nam thi văn hợp tuyển (Nha học chính Đông Pháp xuất bản, Hà Nội, 1943). Cuối cùng, quan trọng nhất là Việt Nam văn học sử yếu (Nha học chính Đông Pháp xuất bản, Hà Nội, 1943).
Cách mạng tháng Tám thành công, Dương Quảng Hàm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Chu Văn An, tức Trường Bưởi cũ. Đáng tiếc là giữa lúc ông đang hết mình xây dựng nhà trường để hiện thực hóa hoài bão canh tân nền giáo dục nước nhà thì cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946) và ông đã hy sinh ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến.
Đặt nền móng cho văn học sử Việt Nam
Với Việt Nam văn học sử yếu (1943), Dương Quảng Hàm được ghi nhận là người đã đặt nền móng cho môn lịch sử văn học, văn học so sánh ở Việt Nam; và là người khởi xướng chương trình quốc học cho nền giáo dục hiện đại.
Việt Nam văn học sử yếu được tác giả biên soạn dành cho bậc Trung học nên bố trí nội dung theo chương trình 3 năm của cấp học. Sách gồm 11 thiên, 48 chương. Nội dung sách phong phú, bao gồm: Văn chương bình dân, Ảnh hưởng của nước Tàu, văn chương Tàu, Các chế độ việc học, việc thi, Các thể văn; Ảnh hưởng của nước Pháp, Vấn đề ngôn ngữ văn tự, Phân kỳ lịch sử văn học…
Đây là công trình đầu tiên giới thiệu khái quát nền văn học Việt Nam, sự ảnh hưởng của tư tưởng và văn học Trung Quốc và Pháp đối với văn học Việt Nam.
Mục đích biên soạn là sách giáo khoa văn học cho học sinh bậc trung học nhưng Việt Nam văn học sử yếu đã trở thành một công trình học thuật lớn về lịch sử văn học nước nhà.
Tác giả đã đi sâu phân tích hai bộ phận văn chương truyền miệng - bình dân và văn chương chữ viết của các nhà Nho, văn học Hán và văn học Nôm, sự hình thành chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ.
Hầu hết các tác gia và tác phẩm tiêu biểu của văn hóa và văn học đều được đề cập với 1.083 tác giả và tác phẩm.
Bên cạnh đó, theo niên đại, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX (1940), có 163 tác giả trung đại, cận đại và hiện đại xếp vào danh mục khảo cứu, trong đó có tới 293 tác phẩm, đủ đề tài, đủ thể loại.
Không chỉ có vậy, Việt Nam văn học sử yếu còn mở rộng, hay nói đúng hơn là đặt văn học sử trong mối liên hệ tương quan với tiến trình văn hóa, tư tưởng, tôn giáo, ví dụ như ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo đối với văn học…
Đặc biệt, nội dung sách đã đề cập rất kịp thời những hiện tượng/trào lưu, tác giả, tác phẩm văn học mới xuất hiện ngay trong thập kỷ 30 (thế kỷ XX) như Tự lực văn đoàn, Thơ mới… Sự nhạy bén này đã chứng tỏ tác giả nhận biết chính xác sự chuyển mình, thay đổi trạng thái từ trung đại sang hiện đại của văn học nước nhà.
Trước Việt Nam văn học sử yếu, chưa có một công trình nào có khối lượng to lớn về kiến thức văn - triết - sử, về tài liệu tham khảo… đạt đến tầm vóc và quy mô đồ sộ như thế.
Một điều lớn lao nữa là mục tiêu hướng tới của Dương Quảng Hàm khi biên soạn Việt Nam văn học sử yếu là vì một sự phát triển của văn học nước nhà trong tương lai.
Kiến thức văn học sử mà ông đưa ra trong Việt Nam văn học sử yếu như là một nền tảng cho sự phát triển đó.
Phần cuối cuốn sách, ông viết: “… dân tộc ta vốn là một dân tộc có sức sinh tồn rất mạnh, trải mấy thế kỷ nội thuộc nước Tàu mà không hề bị đồng hóa lại biết nhờ cái văn hóa của người Tàu để tổ chức thành một xã hội có trật tự, gây dựng nên một nền văn học, tuy không được phong phú, rực rỡ nhưng cũng có chỗ khả quan, có phần đặc sắc, thì chắc rằng sau này dân tộc ta cũng sẽ biết tìm lấy trong nền văn học của nước Pháp những sở trường để bổ sung những chỗ thiếu thốn của mình"...
Ở đây, Dương Quảng Hàm đã khẳng định việc giao lưu, tiếp biến văn hóa, văn học với bên ngoài là điều đương nhiên cần thiết cho sự phát triển.
Việt Nam văn học sử yếu thành công là bởi Dương Quảng Hàm đã tích hợp, và sử dụng một cách hợp lý khối lượng kiến thức uyên bác về văn hóa, văn học dân tộc và các kỹ năng nghiên cứu của phương Tây.
Trong bối cảnh chính trị và học thuật Việt nam những năm 1940, có thể khẳng định, Việt Nam văn học sử yếu là một thành công lớn, rất lớn. Cùng với các bộ sách Nho Giáo, Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (1920); Nho Giáo (1930 - 1932); Việt Nam phong tục (1925) của Phan Kế Bính… đã bước đầu tạo dựng toàn cảnh văn hóa, văn chương Việt Nam và phác thảo nên ngành Việt Nam học tương lai, nói đúng hơn, đã tạo nên một nền học thuật mới, ít nhất là khoa học xã hội.
Cho đến hiện nay, tròn 80 năm xuất bản lần đầu, Việt Nam văn học sử yếu vẫn còn nguyên giá trị, các thế hệ nghiên cứu văn học, văn hóa vẫn xem là sách gối đầu giường. Dương Quảng Hàm vẫn là học giả hàng đầu có công xây dựng môn văn học sử nước nhà. Thành công của ông là sự kết tinh tri thức Đông -Tây uyên bác với tinh thần trách nhiệm cao cả của một trí thức yêu nước.