Thôn Vũng Rô với nhiều lồng nuôi tôm hùm trị giá hàng tỷ đồng. Ảnh: Hải LuậnNgười đầu tiên nhập khẩu giống tôm hùm về Việt Nam
Phía trước nhà ông Hai Mừng là cả vùng nuôi trồng thủy sản trên biển Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Hỏi chuyện nuôi tôm hùm ở Vũng Rô, ông Hai Mừng hào hứng kể: Sau thời gian tôi đi buôn tôm hùm giống ở nước ngoài về Việt Nam, chị Nguyễn Thị Hồng Minh, lúc đó làm Thứ trưởng Bộ Thủy sản (đã giải thể) gọi điện cho tôi nói: “Bộ Thủy sản đã đầu tư 7 tỷ đồng làm đề tài nghiên cứu khoa học sản xuất giống tôm hùm mà không thành công. Anh đã có công lớn đưa giống tôm hùm từ nước ngoài về cho dân mình nuôi. Bộ đề nghị trao Giải thưởng “Tài hoa trẻ” cho anh”. Năm đó có 5 người được nhận giải thưởng này, 4 người là Giáo sư, Tiến sĩ, chỉ có tôi là ngư dân.
Năm 1999, ông Hai Mừng qua Philippines dự đám cưới con gái, thấy tôm hùm rất nhiều, giá rẻ, thế là ông nghĩ cách mua tôm giống và vận chuyển về Việt Nam nuôi. “Tôi mua mấy con tôm hùm đưa về nhà làm thử nghiệm, sử dụng đá lạnh 10 độ C để gây mê tôm, nó chỉ sống được 10 giờ. Thời gian như thế này không đủ về tới Vũng Rô. Tôi bắt đầu tăng dần nhiệt độ gây mê lên 15 độ C, thời gian tôm sống cũng tăng lên, vẫn chưa đạt. Tăng lên 20 độ C, tôm sống được 25 giờ, tôi quyết định đóng thử 4.000 con tôm giống” - ông Hai Mừng kể chi tiết.
Ngư dân bắt tôm giống ở các đảo cách xa Thủ đô Manila của Philippines, Hai Mừng phải tính toán thời gian ô tô chạy đến sân bay Manila, chờ đợi làm thủ tục, rồi thời gian bay về sân bay Tân Sơn Nhất. Ông tiết lộ: “Tôi gọi điện về nhà, hướng dẫn đi thuê xe tải có thùng chở nước biển, máy tạo oxy... từ Phú Yên vào đợi sẵn ở sân bay Tân Sơn Nhất. Chuyến đầu tiên coi như thành công, mở ra con đường nhập khẩu tôm hùm giống từ nước ngoài về Việt Nam, do tôi thiết lập đầu tiên”.
Có kinh nghiệm, về sau mỗi chuyến nhập khẩu tôm hùm giống lên 10.000 con, ông Hai Mừng bắt đầu bung ra làm nhiều lồng bè, nuôi với số lượng lớn, thu lãi nhiều tỷ đồng. Điều quan trọng, người dân Vũng Rô, Sông Cầu, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa có lượng lớn tôm giống để nuôi.
Hiện nay, có rất nhiều người ở Phú Yên, Khánh Hòa sang Philippines, Indonesia, Malaysia thiết lập các trạm thu mua tôm giống và nhập khẩu vào nước ta, bán lại cho các hộ nuôi trồng ở các tỉnh. “Lúc chưa có tôm hùm giống nhập khẩu, giá 1 con tôm hùm (nhỏ bằng ruột bút bi) là 300.000 đồng. Nhờ có nguồn tôm hùm giống ở nước ngoài, quanh năm, người dân Khánh Hòa, Phú Yên và một số tỉnh mở rộng quy mô lớn. Tại Vũng Rô có những hộ nuôi lên đến 50.000 con tôm hùm, nhiều gia đình đã giàu lên từ tôm hùm. Hiện nay, giá 1 con tôm hùm giống to bằng đầu ngón tay là 70.000 đồng” - ông Hai Mừng chia sẻ.
Trước đó, năm 1992, ông Hai Mừng là người nuôi tôm hùm đầu tiên ở Vũng Rô. Lứa tôm đầu tiên được nuôi ở vùng nước cạn, bao lưới bên ngoài, mùa Hè nước thủy triều xuống thấp, nước nóng, tôm chết hàng loạt. Rút kinh nghiệm, ông làm cái lồng sắt, bọc lưới bên ngoài, thả nuôi 500 con tôm giống, đặt lồng ở mức nước sâu hơn. Hằng ngày, cứ ra đổ thức ăn xuống lồng, thức ăn thừa, vỏ tôm lột cũng để trong lồng. Gần 1 năm kéo lên bán lãi được mấy chục triệu đồng.
Ông Hai Mừng hào hứng kể chuyện làm giàu từ nuôi tôm hùm. Ảnh: Hải Luận
Thấy nuôi tôm hùm có lãi lớn, ông Hai Mừng chặt cây bạch đàn, mua những tấm xốp kết lại thành bè, thả 8.000 con giống, sau một thời gian, ông bán tôm hùm lãi được 10 tỷ đồng. Ông Hai Mừng tâm sự: “Chở mấy bao tiền về nhà, tôi gọi ngân hàng chạy xe ôtô vào nhà đếm tiền tại chỗ, gửi tiết kiệm. Hồi đó ít có người nuôi tôm hùm, nước sạch, thả 1.000 con tôm giống xuống biển, nuôi hơn một năm chỉ hao hụt trên dưới 15 con. Giá bán cao ngất ngưởng, 2,6 triệu đồng/kg. Thấy lãi lớn, người dân ở các nơi bắt đầu kéo đến Vũng Rô nuôi tôm hùm, bây giờ nhìn ra ngoài biển thấy lồng bè dày đặc”.
“Vua” lấy phế liệu dưới đáy biển
Ông Hai Mừng là người từ Thừa Thiên Huế vào lập nghiệp ở Vũng Rô từ năm 1985. Thời điểm đó, cả Vũng Rô chỉ có 7 cái nhà lá nhỏ nằm gần mép nước. Ông Nguyễn Xuân Mai, ở thôn Vũng Rô nhớ lại: “Anh Hai Mừng không biết lặn, nhưng dân Vũng Rô nể phục cái tài chỉ huy dưới nước của anh. Gần cảng Vũng Rô có xác máy bay trực thăng của Mỹ rơi trong chiến tranh, nó đã “nuốt” không biết bao nhiêu lưới chài của ngư dân. Mấy chiến hữu trong xóm kể tường tận chiếc trực thăng dưới nước với Hai Mừng, thế là anh lập kế hoạch trục vớt chiếc máy bay”.
Nhân cơ hội có chiếc tàu vận tải vào núp gió ở Vũng Rô, ông Hai Mừng ra rỉ tai thuyền trưởng, nhờ tàu lớn vào kéo lên, bồi dưỡng một con heo to. Thấy làm khó khăn, thuyền trưởng “tăng giá” bồi dưỡng lên 3 chỉ vàng.
“Xác máy bay sao xẻ thịt dễ thế?”- tôi hỏi. Ông Hai Mừng trả lời: “Những năm đó, phế liệu chiến tranh ở nước mình nhiều lắm, những nơi chiến sự ác liệt, xe tăng, xe tải, pháo hạng nặng... của Mỹ bị hỏng nằm từng bãi, dân ta phá bán phế liệu.”.
“Nhờ có Hai Mừng đánh quả liều trục vớt xác máy bay, tàu thuyền dân Vũng Rô và nhiều tỉnh khác vào núp gió an toàn, không bị va chạm như trước nữa, thả lưới không bị quấn đứt. Về sau, mấy anh em trong thôn cùng Hai Mừng dọn sạch sắt chìm dưới cảng Vũng Rô, tàu hàng ra vào dễ dàng” - ông Trương Quang, một thợ lặn ở thôn Vũng Rô nói.
Tuổi cao, ông Hai Mừng không chinh chiến ở dưới biển nữa mà nhiệt thành tham gia các hoạt động xã hội trong thôn, xã, thị xã. Học kinh nghiệm từ cha, vợ chồng con gái ông Hai Mừng tiếp tục phát triển sự nghiệp nuôi tôm hùm của gia đình với 500 lồng tôm hùm, tổng trị giá trên 30 tỷ đồng.