Làm thế nào để triết học không còn nhàm chán?

07/02/2023 15:06
(Dân trí) - Thông qua "Cửa hiệu triết học", Peter Worley cùng các đồng tác giả đã dẫn dắt độc giả mở "cánh cửa" triết học một cách tự nhiên và gần gũi nhất.

 

Triết học tồn tại trong mọi sự vật, sự việc chung quanh ta, "len lỏi" vào mọi lĩnh vực từ tự nhiên đến xã hội. Nếu hiểu triết học, bạn sẽ hiểu được cuộc sống và chính bản thân mình. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta cảm thấy triết học là thứ gì đó mông lung và mơ hồ. Có người thậm chí còn nghĩ đó chỉ là một môn học khô khan, tẻ nhạt. Đây dường như là lý do khiến rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam rất "ngại" môn triết.

Nếu bạn đang muốn tìm hiểu triết học mà không cảm thấy khô khan hay khó hiểu, "Cửa hiệu triết học" của Peter Worley và các đồng tác giả sẽ là lựa chọn thú vị dành cho bạn.

Làm thế nào để triết học không còn nhàm chán?

Học triết qua những góc nhìn độc đáo

"Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, khi đi qua một dãy cửa hiệu quen thuộc, bạn bắt gặp một cửa hiệu mà bạn chưa từng thấy bao giờ". Đó là cách Peter Worley giới thiệu về Cửa hiệu triết học - một cửa hiệu kỳ lạ chỉ bày bán những ý tưởng, tư tưởng và vấn đề của triết học.

Ghé thăm "Cửa hiệu triết học", bạn sẽ lần lượt đặt bước chân khám phá bốn gian hàng, tương tự với bốn chương sách: Siêu hình học hay Cái hiện hữu; Tri thức luận hay Những gì có thể biết được về cái hiện hữu; Giá trị hay Điều quan trọng trong cái hiện hữu; Ngôn ngữ và ý nghĩa hay Có thể nói gì về cái hiện hữu.

Vậy cửa hiệu này có gì khác so với những cuốn sách triết học khác? Điểm đặc biệt của "Cửa hiệu triết học" là các vấn đề triết lý được tác giả gói ghém qua những câu chuyện, bài thơ, hoạt động, thể nghiệm hay kịch bản tư tưởng.

Nhờ vậy, độc giả có thể bối cảnh hóa vấn đề triết học, hiểu những ý tưởng hoàn toàn khó hiểu và cảm nhận triết học qua những góc nhìn độc đáo. Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện, "Cửa hiệu triết học" còn lôi cuốn, kích thích độc giả đi sâu vào hành trình suy tư và tỉnh thức thông qua hàng loạt câu hỏi. Đó là tinh thần trao đổi kiểu Plato như Peter Worley nhận định.

Nhưng khác với Plato, những cuộc đối thoại trong "Cửa hiệu triết học" không "kết thúc một cách lửng lơ" rồi lại tiếp tục "những cuộc tranh cãi tiếp diễn không ngừng". Cuốn sách này có những khoảng lặng, là những câu hỏi giàu tính tranh luận khiến cho người đọc phải tập trung vào vấn đề và suy nghĩ, tương tác lại câu chuyện của tác giả. Chẳng hạn câu chuyện làm bánh của Tamara, Carim và Miriam: "Tamara đi chợ mua hết tất cả những thứ cần thiết; thực tế là cô bé đã dùng hết tiền tiêu vặt trong tháng của mình để mua các nguyên liệu. Carim dồn hết sức vào việc làm bánh - nhiều hơn hẳn bạn bè của cậu. Miriam hầu như chỉ đứng nhìn tận hưởng không khí bạn bè".

Cuốn sách là tập hợp của tất thảy những gì tinh tế nhất, đẹp đẽ nhất về vấn đề của triết học (Ảnh: First News).

Hành trình suy tưởng bắt đầu từ những câu hỏi đơn giản như: "Mỗi đứa trẻ nên được bao nhiêu phần của chiếc bánh?", cho đến những câu hỏi trừu tượng như: "Sòng phẳng là gì? Công bằng là gì?".

Sau mỗi câu hỏi, tác giả còn dành riêng cho độc giả một chỗ trống gọi là "không gian suy tư" để người đọc có thể ghi chú những câu hỏi bất ngờ nảy ra trong quá trình tư duy. Và đúng như Nigel Warburton, triết gia người Anh, đã nói: "Cuốn sách này sẽ khiến mọi người suy tư".

Còn câu trả lời cho những vấn đề triết học ấy là gì, ắt hẳn chính bạn phải tự đi tìm câu trả lời cho mình thôi, dù hành trình đó có thể khó khăn và thậm chí lạc lối. Bởi lẽ lạc đường là một phần rất tự nhiên của tiến trình triết học. "Nếu có lạc đường, thì đó cũng thường là dấu hiệu cho thấy bạn đang nghiên cứu triết học, chứ không phải bạn thất bại như người ta thường lầm tưởng", Peter Worley khẳng định.

Dạy triết cho trẻ từ sớm

Như Peter Worley đã nói, "triết học chưa bao giờ dễ dàng - ngay bản chất nó đã là một cuộc đeo đuổi khó khăn". Đối với người trưởng thành, triết học vẫn luôn là một "vũ trụ" huyền bí với nhiều bí ẩn chưa được giải mã. Vậy làm thế nào để trẻ em có thể tiếp cận với những triết lý sâu xa đó?

Đối với Peter Worley và các đồng tác giả, giá trị chủ yếu và thực chất của hoạt động triết học với trẻ em là mang lại niềm vui. Vì vậy, "Cửa hiệu triết học" được xây dựng dựa trên những câu chuyện thú vị, trí tuệ và mang tính tương tác cao giữa người dạy và người học. Bên cạnh đó, tác giả còn đưa vào "cửa hiệu" những bài thơ mang tính triết lý cao, bởi trẻ em thích và hiểu những ý tưởng được trình bày bằng thơ rất nhanh.

"Cửa hiệu triết học" được biên soạn bởi Peter Worley và nhóm tác giả là 35 giáo sư, giảng viên, chủ biên… triết học tại các tổ chức và trường đại học danh tiếng (Ảnh: First News).

Để giúp trẻ em học triết hiệu quả hơn, "Cửa hiệu triết học" còn cung cấp những chỉ dẫn chi tiết cho giáo viên, người chủ trì và người điều phối về phương pháp dạy trẻ tư duy sáng tạo, tìm tòi và học hỏi. Thứ nhất, Peter Worley cho rằng cần trò chuyện triết học với trẻ em theo kiểu hỏi - đáp cởi mở, từ những buổi thảo luận ở lớp học đến buổi thảo luận chuyên đề ở các trường đại học hay cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái. Thứ hai, ông khẳng định giáo viên nên hạn chế đưa ra câu trả lời khi điều khiển một buổi tranh luận triết học. Bởi sự đa dạng, tự nhiên trong các ý tưởng của trẻ em sẽ bị "dập tắt" khi giáo viên chia sẻ quan điểm riêng của mình.

Cuối mỗi gian hàng, "Cửa hiệu triết học" còn cung cấp một nguồn tài liệu tham khảo phong phú như nguồn các bài viết, chủ đề triết học và tên của các triết gia đi kèm, các cuốn sách triết học hữu ích cho trẻ em, các website khám phá triết học, cách làm thơ triết học cho trẻ em và thầy cô giáo... để độc giả có thể tiếp tục hành trình khám phá triết học kể cả khi trang sách cuối cùng đã khép lại.

Tựa như một cửa hàng bí ẩn, đầy hấp dẫn với những món quà bất ngờ, "Cửa hiệu triết học" khơi dậy trí tò mò, học hỏi và sáng tạo không ngừng bên trong mỗi đứa trẻ. Giống như Jules Evans, tác giả quyển Philosophy for Life: And Other Dangerous Situations, đồng tổ chức Câu lạc bộ Triết học London, nhận định: "'Cửa hiệu triết học' nằm trong sứ mệnh của chúng tôi là đưa triết học vào trường học. Cuốn sách này đã khéo léo cho thấy triết học dễ tiếp cận biết chừng nào, và nó có thể mang lại niềm vui cùng mở mang tâm trí cho mọi lứa tuổi ra sao."

Là một cuốn sách có nhiều đóng góp trong việc đưa triết học đến trường học, năm 2012, "Cửa hiệu triết học" đã nhận được giải "Education Resources Award" tại Best Educational Book, chiến thắng tại New England Book Festival cho hạng mục "Compilations - Anthology" và thắng chung cuộc giải "ForeWord Review Book."

Theo First News

Theo Nguồn dantri.com.vn

Làm thế nào để triết học không còn nhàm chán? - Đời Sống