Không biết cụm từ "Làng đại học" có từ khi nào, bắt nguồn từ đâu, nhưng suốt những năm tháng đại học, chúng tôi đã thuộc nó làu làu, xem như một mật ngữ riêng của giới sinh viên TPHCM.
Thời còn ngồi dưới mái trường Đại học KHXH&NV TPHCM, tụi con gái trường tôi vẫn luôn thầm ước trên con "dốc tình" Nhân Văn - Công nghệ Thông tin, hay ở giữa khoảng trời của "Hồng lâu mộng" Đại học Quốc Tế và "Lầu xanh" Đại học Bách Khoa… sẽ nảy nở một mối tình sinh viên tuyệt đẹp.
Những con đường rợp hoa giấy dẫn vào trường, bờ Hồ Đá và tán cây hoa chuông nhuộm vàng cả một vùng trời… đã trở thành chốn hẹn hò bí mật của bao cặp đôi ở độ tuổi đang yêu.
Nói không ngoa khi đã là sinh viên TPHCM, chẳng ai không biết đến "Làng đại học". Mật ngữ ấy như phần ký ức tươi đẹp theo suốt năm tháng đầu tiên đứa học sinh tỉnh lẻ bước chân lên Sài Gòn nhưng sợ sự xô bồ, tấp nập nơi thành phố. Ấy vậy, sau này ra trường, đi làm, lập gia đình, nhưng mỗi lần nhìn lại, bao kỷ niệm thanh xuân bỗng chốc ùa về trong veo.
"Làng đại học" - cái tên ban đầu nghe có vẻ xa lạ, khiến lần đầu tiên đến TPHCM người ta sẽ nghĩ ngay tới một vùng quê êm ả nào đó giữa thành thị. Thế nhưng, nếu chịu khó tìm hiểu mới phát hiện ra, đây không phải ngôi làng bình thường mà nó có tất cả tiện nghi, cực kỳ đông đảo và là nơi chứa đựng thanh xuân của hầu hết sinh viên TPHCM.
Tên gọi chính thức của Làng là Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM. Đây là tổ hợp các trường đại học được thành lập vào tháng 1/1995 và chính thức ra mắt vào tháng 2/1996 với diện tích 643 ha bao gồm: Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Quốc tế, Công nghệ thông tin, Kinh tế - Luật, khoa Y và Trường Phổ thông Năng khiếu.
Ngoài ra, trong khuôn viên cụm ĐHQG TPHCM còn có thêm ĐH Thể dục Thể thao TPHCM, ĐH An Ninh Nhân dân, ĐH Nông Lâm TPHCM, KTX khu A, khu B… Với số lượng trường học lớn, nơi đây cũng hiển nhiên quy tụ số lượng sinh viên đông nhất thành phố này. Và từ lâu tên gọi "Làng đại học" vừa gần gũi vừa dễ mến đã được truyền nhau, trở thành một mật ngữ chung của giới sinh viên.
Ngày đầu bước chân vào Sài Gòn, tôi tưởng chừng sẽ được ngắm nhìn trung tâm phồn hoa, những tòa nhà chọc trời đến nỗi ngước mặt mãi rơi cả mũ. Ấy vậy, hôm đầu tiên ngồi chiếc xe buýt 33 chật ních người chạy về miền quê "Làng đại học", chứng kiến những mái nhà lụp xụp quanh khu chợ tự phát, cánh đồng cỏ lau mọc quá đầu… tôi thất vọng. Hồi đó, tôi ghét ở Làng lắm! Cứ sơ hở là trộm cắp, cướp giật, đèn điện loe hoe không đủ soi sáng buổi đêm.
Vậy mà, ở rồi mới thấy thương, sau rời đi mà vẫn nhớ nhớ như nhà văn Chế Lan Viên từng bảo: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn".
Đúng như tên gọi! Là làng nên người dân tại đây sống chân thành, hào sảng, chất phát và yêu thương theo đúng "tình làng nghĩa xóm". Để rồi bao nhiêu đề phòng tình trạng giật túi xách của sinh viên quanh bờ hồ, có chú Minh cô đơn đã dựng túp lều tranh, chạy chiếc xe cà tàng suốt ngày đêm đi cứu trợ.
Hay ở ấp Tân Lập, có lớp học tình thương của ông Huỳnh Văn Phê và bà Huỳnh Thị Lành dành cho học trò nghèo. Ngay ngã ba chợ đêm thuở trước tồn tại quán cơm chay 5.000 đồng của bà cô gốc Quảng Ngãi với tiêu chí: "Lời ít, tình thương nhiều", bằng cách kêu gọi mạnh thường quân trợ giá cho sinh viên. Hoặc sau cổng trường ĐH Thể dục Thể thao TPHCM có gánh tàu hũ 20 năm gắn liền với bao thế hệ mà cô chủ chia sẻ "có tiền cũng bán, không tiền hôm khác quay lại trả, chả sao!".
Hỏi ra, tất cả họ đều cười trừ, cho biết rằng hầu hết đều là tứ phương đổ về Sài Gòn, chọn Làng đại học làm nơi sinh sống. Ở quê nhà của họ, chỉ cần có đứa đậu đại học là niềm vui của cả làng xóm. Vì ậy, họ coi sinh viên như con cháu mà lời ít đi một tí, chủ yếu để họ sau nhìn mấy đứa trưởng thành, có công ăn chuyện làm nơi thành phố. Và cũng từ đó, tình thương yêu tiếp nối trong nhiều thế hệ sinh viên khiến sau ra trường họ vẫn quay lại Làng, tổ chức các chương trình thiện nguyện, hướng nghiệp, dạy học, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn…
Ở Làng đại học, tưởng chừng thiếu tiện nghi. Ấy thế, nơi khác có thứ gì thì nơi này sẽ buôn bán thứ đó, thậm chí với giá rẻ hơn, hợp túi tiền của giới sinh viên và dân lao động sống hơn. Và có một điều đặc biệt và khác biệt, rằng nơi đây còn có cả thanh xuân của triệu triệu sinh viên thành phố.
Từ những lần chạy thục mạng để kịp chuyến xe buýt cận giờ làm thêm, đến những con đường rợp hoa giấy kể chuyện tình yêu sinh viên, buổi chiều nhớ nhà lượn vòng quay mấy cánh đồng, bờ hồ mà tận hưởng gió thổi vi vu… Tất cả sau này đều thành kỷ niệm mà đôi khi bạn khó có thể nếm trải thêm một lần nữa ở thành phố đất chật người đông này.
Có một sự thật, Làng đại học cũng như hầu hết tất cả địa điểm khác ở TPHCM, vẫn tồn tại rất nhiều sự bát nháo như tình trạng chặt chém, thực phẩm bẩn, cướp giật, trộm cắp… Thế nhưng, trong đôi mắt tụi sinh viên chúng tôi hồi đó, chỉ cần cuộc sống bình an, kinh tế vừa vặn mỗi tháng ở đất khách quê người đã là ổn.
Vậy nên, hồi đại học, đứa nào cũng tràn đầy khát vọng và mộng mơ. Đó là một ngày giữa con "dốc tình" rợp hoa giấy chạy dọc 2 ngôi trường Nhân Văn và Công nghệ Thông tin, lại có một mối tình giữa chàng trai đam mê máy tính cục mịch và cô nàng văn thơ bay bổng. Hay truyền thuyết về 2 ngôi nhà "Hồng lâu mộng" và "Lầu xanh", gần ngay trước mắt mà xa tận chân trời bởi tình yêu xa giữa cô nàng "hướng ngoại" và chàng trai cả đời chỉ "hướng về máy móc".
Rồi trên "con đường thơ mộng" chạy dọc Hồ Đá phủ tán bàng Đài Loan xanh rờn từ lâu đã là điểm hẹn hò bí mật. Góc hành lang, khu nhà tự học, căng-tin,… trở thành địa điểm ăn-ngủ-sinh hoạt chung của tổng hợp tất cả sinh viên các trường. Đoạn "dốc tình" một bên cỏ um tùm, một bên chẳng bóng cây che mát giờ tan học lại có anh chàng mang ô che nắng cho thêm bạn nữ . Rồi từ những mùa hè nắng oi ả hoa giấy bung đỏ, cả hai có cơ hội trò chuyện bao nhiêu thứ trên trời dưới đất. Sau này ra trường, lập gia đình, họ vẫn trở về con đường cũ, bờ Hồ đá để chụp ảnh cưới làm kỷ niệm.
Ấy vậy, cái quãng thời gian sinh viên có buồn, có vui, nhưng lúc nào cũng tuyệt đẹp. Vậy nên, không phải ngẫu nhiên mà Làng đại học, đặc biệt là Hồ đá từ lâu đã trở thành địa điểm được các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng như Hòa Minzy, Sơn Tùng MTP, Quách Ngọc Tuyên… chọn là địa điểm quay phim, MV ca nhạc.
"Chưa ăn chân gà chợ đêm, chưa hiểu hết làng!" - hồi năm 2 đại học, cậu bạn của tôi đã bảo như thế.
Cứ mỗi chiều tan học, cả nhóm lại chạy xe ra chợ đêm làm vài đĩa chân gà nướng (5.000 đồng/chân), ly chè Thái 10.000 đồng,… Đứa rút túi được đúng 10.000 đồng, đứa hào phóng chi hơn 50.000 đồng mà chia nhau từng niềm vui trước khi lên xe tiếp tục ca làm thêm buổi đêm.
Ở Làng đại học, có vô vàn món ăn trên trời dưới đất, thế nhưng một vài địa điểm đã trở thành danh bất hư truyền trong lòng bao thế hệ để tất cả đều sẵn sàng khẳng định: "Nếu không thử qua, chắc chắn bạn chưa phải là dân của Làng".
Đó là nồi lẩu cá 44 với vị ngọt thanh đúng điệu miền Tây; là quán lẩu chay Hữu Duyên ăn căng cái bụng chỉ với 35.000 đồng/người. Đó là xoong tàu hủ bột báng của cô Ái với nồi nước đường vàng óng sôi sùng sục suốt ngày. Đó là "búp-phê" rau câu 10 vị hỗn hợp giá 50.000 đồng, ly trà sữa 10.000 đồng, chén súp cua 10.000 đồng lần mãi không bao giờ tìm được miếng cua…
Ở đây, cầm trong tay 100.000 đồng bạn có thể tận hưởng nhiều món ăn. Mặc dù số tiền ấy không quá nhiều, nhưng đối với sinh viên thời ấy, nó là tài sản, đánh đổi bằng 4 giờ làm part-time tại cửa hàng tiện lợi. Vì vậy, có lần trong cuộc trò chuyện của tôi với một chủ tiệm quán ăn quen thuộc, tôi hỏi: "Bao nhiêu năm, sao anh hông tăng giá?"
"Kệ, mình lời ít đi một tí nhưng sinh viên được cái ăn ngon!" - anh cười.
Cũng bởi quy tắc hành nghề hào sảng ấy mà đã gần chục năm quán anh lúc nào cũng đông nghịt, thậm chí còn mở thêm được chi nhánh mới.
Bây giờ, Làng đã đổi thay nhiều, cao ốc mọc lên khắp nơi với đầy đủ tiện nghi, những con đường thơ mộng xưa đã được đổi tên, lát gạch hoa, trải nhựa láng cóng. Quán xá thuở xưa di dời nơi khác, người ở lại cũng đã thay đổi bàn ghế sang-xịn-mịn, dựng vách để quán xá trông bắt mắt hơn,… khác hoàn toàn với cái thời cách đây gần chục năm tôi từng sinh sống và học tập.
Ấy vậy, trong giới sinh viên TPHCM, tất cả vẫn dùng cái tên thân thuộc "Làng đại học" để chỉ về nơi họ xem như một phần ngôi nhà, quê hương, là nơi đầu tiên ở Sài Gòn tiếp nhận họ khi bước vào quãng đời sinh viên.
Nội dung: Huy HậuThiết kế: Đỗ DiệpẢnh: Quang Ninh