Trung QuốcVương, 46 tuổi, ở Thượng Hải, hồi đầu tháng 6 đã bị tòa án kết án 15 tháng tù vì tội ruồng bỏ cha đau yếu, khiến ông chết trong cô độc.
Bản án này bị nhiều người cho rằng quá nhẹ so với tội lỗi của một đứa con bất hiếu. "Đây nên được coi như một vụ giết người", một người bức xúc.
Tài liệu của tòa án cho biết, cha của Vương, 74 tuổi, qua đời vào ngày 23/9/2021. Trước khi chết, ông mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường và nhiều bệnh mãn tính khác. Trong 6 ngày cuối đời, ông không thể rời khỏi giường, không thể nói và bất động. Người con không mai táng cha. Sự việc chỉ được phát hiện khi hàng xóm ngửi thấy mùi hôi thối.
Phiên tòa xét xử người đàn ông họ Vương. Ảnh: Tòa án Thượng Hải
Vương nói trong phiên xét xử, khi còn nhỏ, anh và cha khá thân thiết nhưng từ khi người cha bệnh nặng, ông ấy dần lạnh lùng và bảo thủ hơn. Năm 2009, Vương ly hôn, kinh doanh thất bại, không một xu dính túi nên anh ta cùng mẹ ra ngoài thuê nhà, cùng chăm sóc ông bà. Người cha sống một mình trong nhà cũ của họ.
Tám năm liền, cha con Vương chỉ chạm mặt trong dịp gia đình gặp nhau và lễ Tết. Tháng 6 năm ngoái, hai năm sau khi mẹ qua đời, Vương đến ở cùng cha vì hết tiền trả thuê nhà và nợ hơn 100.000 tệ.
Suốt thời gian ở cùng nhà, người con hiếm khi nói chuyện với cha, không quan tâm tìm hiểu các loại thuốc, liều lượng thích hợp ông cần uống. Vương bỏ khỏi nhà từ trưa ngồi lỳ ở quán Internet, chỉ về lúc 11 giờ đêm. "Nó thà chăm chó chứ không chăm tôi", cha Vương từng uất ức nói với hàng xóm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 6 người cao tuổi, có một người bị lạm dụng. Riêng tại Trung Quốc, tỷ lệ này có thể cao gấp đôi bởi chính sách một con thực hiện suốt nhiều năm.
Ví dụ, tháng 11 năm ngoái, một nữ công chức bị bắt giam 15 ngày vì hành hung mẹ già 79 tuổi vì không cho mình dùng thẻ ngân hàng và tiền tiết kiệm của bà.
Tháng 8/2017, một video về một bệnh nhân 86 tuổi ở Thượng Hải bị con trai tát đã lan truyền trên mạng xã hội và gây ra một làn sóng phẫn nộ ở đất nước tỷ dân.
Viện dưỡng lão là một lựa chọn tưởng như sẽ giúp giải quyết nan đề này. Nhưng viện dưỡng lão tư đắt đỏ, không phải ai cũng đủ khả năng chi trả, trong khi đó viện dưỡng lão công lại quá tải.
Năm 2012, một nhà dưỡng lão công tại Bắc Kinh với quy mô 9.000 giường vừa xây dựng xong đã kín chỗ. Từ đó đến nay đã 8 năm, nhưng mỗi năm nhà dưỡng lão này chỉ trống từ 20-30 chỗ. Thậm chí có người chờ suốt 5 năm nhưng vẫn chưa đến lượt.
Nhật Minh (Theo SCMP)Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×