Từ những nguyên vật liệu tự nhiên kết hợp với ánh sáng, bằng đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo độc đáo của mình, chàng trai 9X Bùi Văn Tự đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Nghệ thuật "độc nhất vô nhị"
Bùi Văn Tự là nghệ nhân trẻ thuộc thế hệ 9X khi là người đầu tiên tại Việt Nam theo đuổi một loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác biệt, độc đáo mang tên "nghệ thuật điêu khắc ánh sáng". Đây là sự kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc truyền thống trên các chất liệu thủ công và ánh sáng tạo nên.
Chàng trai quê Ninh Bình cho biết nảy sinh ý tưởng về điêu khắc ánh sáng trong lúc đi làm thêm khi vẫn đang là sinh viên. Trong một lần dựng và trang trí non bộ tiểu cảnh, khi lắp đặt thêm ánh sáng để làm nổi bật tiểu cảnh, bất chợt anh nhìn thấy bóng của hòn non bộ hắt lên tường rất giống hình con gấu.
"Lúc đó tôi chợt này ra suy nghĩ tại sao không kết hợp giữa tác phẩm nghệ thuật với ánh sáng để tạo ra một tác phẩm theo ý mình. Sau đó, mình bắt đầu tìm kiếm các nguyên vật liệu để mày mò làm thử nhưng lúc đó chỉ sáng tạo cho vui chứ chưa nghĩ sẽ theo đuổi như một môn nghệ thuật", nghệ nhân Bùi Văn Tự chia sẻ.
Năm 2014, được xem chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt" (Vietnam Got Talent), Bùi Văn Tự nảy ra ý tưởng tham dự để giới thiệu nghệ thuật mới này đến khán giả. Màn trình diễn độc đáo cùng tài năng của mình đã giúp Bùi Văn Tự chinh phục được ban giám khảo và gây được ấn tượng mạnh với đông đảo khản giả khi đi thẳng vào vòng chung kết cuộc thi.
Sau cuộc thi, Bùi Văn Tự càng có thêm quyết tâm theo đuổi con đường sáng tạo nghệ thuật độc đáo mà bản thân yêu thích. Trải qua nhiều môi trường làm việc khác nhau, cuối cùng anh quyết định tìm về làng nghề gốm cổ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) để bắt đầu hành trình nghệ thuật của riêng mình.
Từ những nguyên vật liệu tự nhiên kết hợp với ánh sáng, bằng đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo độc đáo của mình, nghệ nhân Bùi Văn Tự đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Tại Bát Tràng, Bùi Văn Tự bắt tay vào học nghề làm gốm bắt đầu nặn từ chén đĩa, bình hoa rồi chuyển sang làm giám đốc sáng tạo cho tập đoàn gốm lớn ở Bát Tràng để trải nghiệm. Đến năm 2020, anh mới chính thức dành toàn bộ thời gian và tâm trí cho nghệ thuật điêu khắc ánh sáng với một không gian sáng tạo tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt Nam.
Theo nghệ nhân, giai đoạn đầu khi mới bắt đầu "vào nghề", bản thân anh gặp rất nhiều khó khăn. Bởi đây là một loại hình nghệ thuật mới chưa từng có ở Việt Nam nên phải tự tìm tòi không có những người đi trước chỉ dẫn, khai mở như các loại hình nghệ thuật khác. Ngoài ra, việc tạo hình để phù hợp giữa phần hình và phần bóng rất khó vì chỉ cần sai lệch một chút thì sẽ làm hỏng tất cả nên đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao độ.
Nghệ nhân lựa chọn từ nhiều bằng nhiều nguyên liệu khác nhau, nhưng nhiều nhất là từ gỗ lũa và gốm để sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật của mình.
Năm 2022, sau hơn một thập kỷ theo đuổi môn nghệ thuật sáng tạo độc đáo này, nghệ nhân Bùi Văn Tự lần đầu tiên cho ra mắt công chúng Triển lãm "Ánh sáng tri thức". Đây là tập hợp 12 tác phẩm là chân dung của 12 nhà khoa học, danh họa, nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới như Albert Einstein, Nikola Tesla, Leonardo da Vinci, Ludwig van Beethoven...
"Sứ mệnh của loại hình nghệ thuật này là kể những câu chuyện về văn hóa, về đời sống thông qua chiếc bóng. Chiếc bóng vốn vô tri vô hồn nhưng nghệ thuật Điêu khắc ánh sáng đã biến chiếc bóng thành những câu chuyện, những mảnh tâm hồn khác nhau dựa vào từng cảm xúc", nghệ nhân Bùi Văn Tự chia sẻ.
Tổng hoà “Thân – Tâm – Tuệ”
Trong không gian sáng tạo nghệ thuật điêu khắc ánh sáng của nghệ nhân Bùi Văn Tự tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt Nam, sẽ không khó để bắt gặp những đồ vật tưởng chừng như là đồ bỏ đi như mảnh gốm vỡ, những khúc gỗ lũa, cuộn dây điện, cái ống bơ, … nhưng đây chính là "nguyên liệu" để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Để tạo nên một tác phẩm không dễ dàng, đòi hỏi nghệ nhân phải kiên trì và có sự tỉ mỉ từ khâu chọn lựa nguyên liệu cho đến tạo hình nghệ thuật. Các tác phẩm nghệ thuật được anh lựa chọn từ nhiều bằng nhiều nguyên liệu khác nhau, nhưng nhiều nhất là từ gỗ lũa và gốm. Đây đều là những nguyên liệu dễ tìm và phù hợp với phong cách sáng tạo cùng như thông điệp tác phẩm muốn truyền tải của nghệ nhân.
Để thực hiện một tác phẩm, Bùi Văn Tự mất rất nhiều thời gian và công sức. Thông thường từ 1 tháng đến 6 tháng, bao gồm việc lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, tạo hình và bổ sung thông điệp để tạo thành một tác phẩm hoàn thiện. Mỗi một tác phẩm hoàn thiện đòi hỏi người sáng tạo phải có kiến thức hội họa căn bản, tư duy khác biệt và đôi tay khéo léo.
Nghệ nhân Bùi Văn Tự chia sẻ, anh thường tìm nguồn cảm hứng sáng tạo tác phẩm từ chính những con người anh có duyên gặp trong cuộc sống. Các tác phẩm của anh được sáng tác trên một số chủ đề như những hình ảnh, triết lý của đạo Phật; câu chuyện về người mẹ, chân dung danh nhân, nghệ sỹ, doanh nhân thành đạt, nhãn hiệu, thương hiệu…
Mỗi một tác phẩm ban đầu trông thì có vẻ kì dị nhưng khi có ảnh đèn chiếu đèn vào, những tác phẩm ấy lại trở nên lung linh, huyền ảo, bóng chiếu của những tác phẩm được chạm trổ, lắp ghép ấy bỗng hiện ra chân dung Đức Phật, non nước Việt Nam, hình ảnh người mẹ bồng con hay hình ảnh chiếc thuyền buồm mang thông điệp "Thuận buồm xuôi gió"…
Để có một tác phẩm hoàn thiện, nghệ sĩ phải điều chỉnh nguồn sáng để xác định góc độ và nắm bắt sự biến dạng của vật thể theo ý tưởng, thông điệp muốn truyền tải từ sự tổng hòa của các loại hình nghệ thuật như điêu khắc, sắp đặt kết hợp với thi ca, văn hóa, lịch sử.
Theo nghệ nhân Bùi Văn Tự, ánh sáng để thể hiện cần phải được lựa chọn phù hợp và đặt đúng vị trí thì mới tôn lên hết vẻ đẹp của tác phẩm. Nghệ sĩ phải điều chỉnh nguồn sáng để xác định góc độ và nắm bắt sự biến dạng của vật thể theo ý tưởng, thông điệp muốn truyền tải từ sự tổng hòa của các loại hình nghệ thuật như điêu khắc, sắp đặt kết hợp với thi ca, văn hóa, lịch sử.
Chính vì sự tỉ mỉ, cầu kỳ đó nên Bùi Văn Tự luôn quan niệm mỗi một tác phẩm nghệ thuật đều là một người bạn, là tri kỷ của mình. Anh dành hết tâm huyết và thời gian cho nó, vì vậy mỗi tác phẩm của anh đều hàm chứa những thành tố giống như một con người là Thân-Tâm-Tuệ.
“Thân ở đây là kỹ thuật chế tác, hay có thể xem là hình ảnh khắc lên gỗ, Tâm là cảm xúc, tâm hồn người nghệ nhân, là phần bóng hiện lên tường, còn Tuệ là tư duy, sáng tạo. Trong điêu khắc thì phần Tuệ được tượng trưng bởi ánh sáng, ngọn đèn. Ngọn đèn soi vào Thân sẽ thấy được Tâm. Đó là giá trị cốt lõi của nghệ thuật điêu khắc ánh sáng”, nghệ nhân Bùi Văn Tự nói.
Nam AnhTags:Điêu khắc ánh sáng, nghệ thuật điêu khắc ánh sáng,