Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024 cả nước xuất khẩu 148.792 tấn phân bón các loại, đạt 62,77 triệu USD, giá 421,9 USD/tấn, giảm 13,4% về khối lượng, giảm 13,5% kim ngạch và giảm 0,1% về giá so với tháng 2/2024; So với tháng 3/2023 thì tăng 17,5% về lượng, tăng 14,9% kim ngạch nhưng giảm 2,2% về giá.
Cụ thể, tính chung trong 3 tháng đầu năm 2024 cả nước xuất khẩu gần 499.786 tấn phân bón các loại, tương đương 207,79 triệu USD, giá trung bình 415,8 USD/tấn, tăng 23,4% về khối lượng, tăng 13,2% về kim ngạch và giảm 8,3% về giá so với năm 2022.
Đáng chú ý về cơ cấu thị trường, phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm trên 20% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 103.510 tấn, tương đương 42,48 triệu USD, giá trung bình 410,4 USD/tấn, giảm 1,9% về lượng, giảm 10,8% kim ngạch và giá giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng trong tháng 3/2024 xuất khẩu sang thị trường này đạt 35.893 tấn, tương đương 14,45 triệu USD, giá trung bình 402,6 USD/tấn, tăng 20,7% về lượng, tăng 21,5% kim ngạch, giá tăng 0,7% so với tháng 2/2024.
Đứng thứ 2 là thị trường Hàn Quốc đạt 68.947 tấn, tương đương 28,94 triệu USD, giá trung bình 419,7 USD/tấn, tăng 55,2% về lượng, tăng 72,6% kim ngạch và tăng 11,2% về giá, chiếm gần 14% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Tiếp sau đó là thị trường Philippines đạt 36.846 tấn, tương đương 17,61 triệu USD, giá trung bình 477,9 USD/tấn, tăng mạnh 305,9% về lượng, tăng 197,9% kim ngạch nhưng giá giảm 26,6%, chiếm 7,4% trong tổng khối lượng và chiếm 8,5% trong tổng kim ngạch.
Thông tin trên TC Công Thương, theo số liệu thống kê cập nhật, xuất khẩu phân bón các loại trong 3 tháng đầu năm nay sang các thị trường thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đạt 286.630 tấn, tương đương 119,44 triệu USD, tăng 30,3% về lượng, tăng 23,8% kim ngạch.
Xuất khẩu sang các thị trường thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) đạt 46.000 tấn, tương đương 17,06 triệu USD, tăng 44% về lượng, tăng 52,6% kim ngạch.
Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 203.794 tấn, tương đương 84,39 triệu USD, tăng 17,5% về lượng, tăng 7,2% kim ngạch.
Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, tại thị trường Đông Nam Á, Việt Nam nhập khẩu phân bón đạt 133.811 tấn, tương đương 42,87 triệu USD, tăng 54,4% về lượng, tăng 16,2% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP đạt trên 723.879 tấn, tương đương 171,58 triệu USD, tăng 45,7% về lượng, 0,14% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 64,6% trong tổng lượng và chiếm 48,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTTP đạt 155.047 tấn, tương đương 32,72 triệu USD, tăng 77,2% về lượng, tăng 143,5% kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 13,8% trong tổng lượng và chiếm 9,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Như vậy, quý I-2024, nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường tăng về khối lượng nhưng giảm về kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2023.
Trong năm 2024, các chuyên gia dự báo nguồn cung phân bón sẽ ngày càng thắt chặt do hai nhà cung cấp lớn của thế giới là Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu. Điều này có thể khiến giá phân bón trong năm nay tăng nhẹ so với các năm trước.
Năm 2023, xuất khẩu phân bón các loại giảm 40,7% kim ngạch
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023 cả nước xuất khẩu gần 1,55 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 648,9 triệu USD, giá trung bình 419,6 USD/tấn, giảm 11,7% về khối lượng, giảm 40,7% về kim ngạch và giảm 32,9% về giá so với năm 2022.
Trúc Chi (t/h)