Cần tiếp tục các giải pháp để doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Ảnh: Quang Vinh.Điểm mặt những thách thức
Năm 2022 kinh tế Việt Nam đã có sự bứt phá vượt trội hơn nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh và hoạt động du lịch nội địa dần hồi phục. Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của kinh tế nước nhà trong năm 2023 và cả năm 2024.
2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025, góp phần triển khai các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 được Quốc hội giao mục tiêu cho Chính phủ là 6,5%, lạm phát 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD. Trong khi đó dự báo của tổ chức quốc tế đều cho rằng, tình hình kinh tế nói chung đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất lợi trong quý IV/2022 và được dự kiến sẽ khó khăn hơn trong năm 2023.
Đơn cử như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam năm 2023 có thể sẽ giảm so với 2022 và giảm sâu so với năm 2021, thậm chí là tăng trưởng âm ở các thị trường bạn hàng lớn của Việt Nam ở EU như Đức, Ý…). Dự báo của WTO về tăng trưởng nhập khẩu của các thị trường lớn cũng theo chiều hướng tương tự (Bắc Mỹ năm 2023 dự kiến chỉ tăng 0,8% so với mức tăng 8,5% năm 2022 và 12,3% năm 2021; EU thậm chí là - 0,7%, trong khi năm 2022 tăng 5,4% và năm 2021 tăng 8,3%).
Thu nhập giảm, cầu tiêu dùng yếu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm được dự báo trong năm 2023 sẽ khiến quy mô thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh gia tăng giữa hàng hóa từ Việt Nam và từ các đối thủ cạnh tranh khác... Những “cơn gió ngược” cũng sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Cần quyết sách đúng đắn
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam diễn ra mới đây, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, năm 2022 Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp (DN); trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... Mặc dù vậy, tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 vẫn vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
"Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực DN đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới" - ông Trần Tuấn Anh nhận định.
Bên cạnh đó, Trưởng ban Kinh tế Trùn ương cho rằng, nền kinh tế nước ta cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức, cần có những quyết sách đúng đắn kịp thời để đảm bảo phục hồi vững chắc trên nền tảng tích cực đã được tích lũy trong những năm qua.
Để hóa giải những khó khăn, thách thức, giải quyết những điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế... để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hệ thống pháp luật phải tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; minh bạch, công khai hóa thông tin, cũng như trách nhiệm bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân...
Giới chuyên gia cũng chung quan điểm, năm 2022, nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra nhằm phục hồi nền kinh tế, vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN. Sang năm 2023 cần phải thực thi các hành động một cách mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ các giải pháp đã đề ra. Đặc biệt các hỗ trợ DN, người dân cần bám sát những khó khăn của cộng đồng DN để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng măc nhằm giải bài toàn thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nhấn mạnh những yếu tố trọng yếu, PGS.TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ cho rằng, bước sang năm 2023, DN vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức do lãi suất thế giới cao, tỷ giá hối đoái tăng, các mạch vốn của nền kinh tế Việt Nam có phần ngưng trệ. “Chính sách tài khóa, chi tiêu ngân sách phải hỗ trợ, giải ngân đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn. Điều này cần sự nỗ lực rất lớn từ Bộ Tài chính” – ông Thiên nói đồng thời nêu quan điểm, ngoài câu chuyện giảm thuế, phí chung cho nền kinh tế, có những khu vực cần được tập trung ưu tiên để giúp cho các ngành, các tuyến DN, các khu vực có điều kiện bứt lên, từ đó kéo cả nền kinh tế “đứng dậy”.