Đôi khi chúng ta cảm thấy lo lắng là điều bình thường, đó là phản ứng khi cảm thấy bị đe dọa, bị áp lực hay bị căng thẳng, chẳng hạn như trước một kỳ thi hay một cuộc phỏng vấn.
Lo lắng không phải là điều xấu, đối khi nó còn thúc đẩy chúng ta, giúp chúng ta cảnh giác và nhận thức được những rủi ro, đồng thời giúp chúng ta giải quyết được vấn đề.
Tuy nhiên, lo lắng có thể là một vấn đề nghiêm trọng nếu nó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Nếu sự lo lắng của bạn kéo dài, dữ dội, khó kiểm soát, thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tinh thần.
Rối loạn lo âu là gì?
Rối loạn lo âu (Anxiety Disorders) là một nhóm bệnh tâm lý gây ra cảm giác bồn chồn, lo lắng, sợ hãi. Cảm giác này không biến mất và thậm chí có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
Theo Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), có khoảng 19,1% người trưởng thành ở Mỹ mắc một số loại rối loạn lo âu.
Rối loạn lo âu được xác định bởi các tình huống hoặc đối tượng gây lo lắng cho bạn. Một số chứng rối loạn lo âu có triệu chứng và kiểu suy nghĩ tiêu cực khác nhau đi kèm.
Các loại rối loạn lo âu bao gồm:
1. Rối loạn lo âu lan tỏa
Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD) là sự lo lắng và sợ hãi quá mức đến các hoạt động và sự kiện khác nhau. Nỗi lo âu này rất khó kiểm soát và thường chuyển từ mối lo này sang mối lo khác. Mặc dù không có mối đe dọa cụ thể nào, những người mắc GAD cảm thấy lo lắng về các sự kiện hàng ngày hàng giờ, các sự kiện trên mạng xã hội, các mối quan hệ hoặc các sự kiện tiềm ẩn có thể xảy ra.
2. Rối loạn hoảng sợ
Rối loạn hoảng sợ là khi người mắc phải trải qua những cơn hoảng sợ dữ dội và dai dẳng xảy ra bất ngờ mà không có hoặc có rất ít dấu hiệu báo trước. Một cuộc tấn công khiến người bệnh hoảng sợ sẽ có kèm các triệu chứng về thể chất và cảm xúc như nhịp tim nhanh, hô hấp nhanh và có cảm giác cực kỳ sợ hãi.
3. Rối loạn lo âu xã hội (SAD)
Rối loạn lo âu xã hội là chứng bệnh liên quan đến nỗi sợ hãi về các tình huống xã hội. Nỗi sợ hãi này có thể tập trung vào các sự kiện cụ thể, chẳng hạn như đứng nói trước công chúng hoặc ở một tình huống xã hội cụ thể. Những người mắc chứng bệnh này thường cảm thấy lo lắng thái quá về việc người khác xem xét kỹ lưỡng mọi thứ họ làm. Những người mắc bệnh này cũng có xu hướng chỉ trích bản thân và trải qua các triệu chứng sợ hãi cả về thể chất lẫn cảm xúc như run rẩy, nhịp tim đập nhanh, sợ hãi,.
4. Những nỗi ám ảnh cụ thể
Đây là một dạng rối loạn lo âu liên quan đến một đối tượng hoặc tình huống cụ thể. Khi đối mặt với nguồn gốc của nỗi sợ hãi, những người mắc chứng ám ảnh có thể có các triệu chứng ngay tập tức như đổ mồ hôi, khóc, run rẩy, tim đập nhanh và thở gấp.
Rối loạn lo âu đi kèm với các triệu chứng cụ thể
Rối loạn lo âu thường đi kèm với một loạt các triệu chứng và không ai có cùng trải nghiệm. Các triệu chứng phổ biến nói chung bao gồm:
- Khó ngủ
- Chóng mặt
- Khô miệng
- Cảm giác hồi hộp, lo lắng, hoảng loạn, sợ hãi và khó chịu
- Căng cơ
- Buồn nôn
- Nhịp tim đập nhanh và không đều
- Ra mồ hôi hoặc lạnh tay, chân
- Ngứa ran hoặc tê bàn tay, bàn chân
- Không thể bình tĩnh và hoặc ngồi yên
- Khó thở
- Run rẩy
Nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn lo âu
Theo báo cáo, hàng triệu người Mỹ trưởng thành sẽ trải qua chứng rối loạn lo âu vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Không ai biết chính xác nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu, mặc dù di truyền, môi trường, mức độ căng thẳng, thay đổi não bộ và chấn thương đều có thể đóng một vai trò nào đó. Một số yếu tố có thể được nêu lên rằng có liên quan bao gồm:
Hóa chất trong não: Sự căng thẳng nghiêm trọng và kéo dài có thể góp phần làm thay đổi sự cân bằng chất hóa học trong não. Những thay đổi này có thể là khởi đầu cho chứng rối loạn lo âu.
Kinh nghiệm: Các sự kiện căng thẳng hoặc sang chấn tâm lý cũng có thể góp phần gây ra cảm giác lo lắng.
Tiền sử gia đình: Có những thành viên thân thiết trong gia đình mắc các triệu chứng rối loạn lo âu làm tăng nguy cơ cho những người xung quanh.
Yếu tố di truyền: Một số gen nhất định có thể khiến một người có khả năng mắc chứng rối loạn lo âu cao hơn.
Điều kiện y tế: Một số điều kiện sức khỏe tiềm ẩn có thể góp phần gây ra cảm giác lo lắng, chẳng hạn như đau đầu mãn tính, bệnh tim, tiểu đường, các vấn đề về tuyến giáp, tình trạng hô hấp và sử dụng ma túy.
Tính cách: Những người có những đặc điểm tính cách nhất định, chẳng hạn như hướng nội hay loạn thần, đều có thể dễ bị lo lắng ở mức độ cao hơn.
Làm gì để đối phó với chứng rối loạn lo âu?
Mặc dù tâm lý trị liệu là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn mắc phải chứng rối loạn lo âu. Tuy nhiên, nếu chưa có điều kiện, bạn vẫn có thể thực hiện một số cách thức để hạn chế và kiểm soát sự lo âu của mình.
Hãy giải tỏa tâm trí của mình bằng cách dành thời gian để thiền, tập yoga, hít thở sâu hay chỉ đơn giản là đi dạo để loại bỏ sự tập trung khỏi vấn đề mà bạn đang lo lắng.
Bạn cũng nên hạn chế rượu và cafein, bởi những chất này có thể khiến bạn lo lắng hơn, nhịp tim nhanh hơn và đặc biệt là khi tiêu thụ quá mức.
Tập thể dục hàng ngày cũng sẽ khiến bạn cảm thấy tốt hơn nhiều.
Việc nghỉ ngơi đầy đủ khi bạn đang trải qua một giai đoạn căng thẳng cũng sẽ giúp hạn chế phần nào sự lo âu, hãy lắng nghe cơ thể của mình khi nó cần được nghỉ ngơi.
Đồng thời, bạn có thể tìm hiểu các yếu tố kích hoạt sự lo âu của bạn, hãy chú ý đến những thời điểm mà sự lo lắng của bạn thực sự bùng phát và ghi lại những gì đang xảy ra dẫn đến việc đó.
Khác với lo lắng thông thường, rối loạn lo âu là một chứng bệnh cần được quan tâm. Nếu xem nhẹ, nó có thể khiến cuộc sống của bạn bị xáo trộn liên tục.
Nguồn: Verywellmind