TikToker miệt thị người nghèo, một trong những nội dung bẩn trên TikTok bị dư luận tẩy chay gần đây - Ảnh chụp màn hình
Hoạt động này được Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng mạng xã hội TikTok trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.
Nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, sai sự thật trên TikTok
Lý do của việc kiểm tra toàn diện này, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dù chỉ mới bùng nổ tại Việt Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, thế nhưng Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có đông người sử dụng TikTok nhất thế giới.
Số liệu của DataReportal cho thấy tính đến tháng 2, hiện có khoảng 49,9 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok tại Việt Nam. Cùng với Facebook, Zalo, YouTube, đây hiện là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.
Tuy vậy, thời gian gần đây trên mạng xã hội TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan...
Bộ cũng chỉ rõ, khác với Facebook, TikTok gợi ý nội dung cho người xem bằng thuật toán riêng do đơn vị này phát triển. Điều này cũng có nghĩa các nội dung xấu, thông tin sai sự thật có thể xuất hiện liên tục trước mắt người xem do gợi ý của thuật toán.
Ông Lê Quang Tự Do - cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cũng lý giải về quyết định kiểm tra toàn diện TikTok lần này:
"TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu.
Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo…".
Liên quan đến hoạt động của TikTok trên thế giới, hiện nhiều nước cấm một số đối tượng như quân nhân hay công chức sử dụng TikTok, hay CEO của TikTok phải điều trần trước Quốc hội Mỹ.