Ê-kíp bác sĩ đã nỗ lực suốt 4 giờ đồng hồ phẫu thuật khâu nối mạch máu, cứu sống bàn chân của nam bệnh nhân bị đứt lìa do tai nạn giao thông.
4 giờ phẫu thuật cứu bàn chân đứt lìa
Ngày 6/7, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Cấp cứu và Trung tâm Chấn thương chỉnh hình đã nỗ lực phẫu thuật khâu nối mạch máu cứu sống bàn chân bị đứt lìa, phục hồi lại chức năng giải phẫu cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông.
Theo bệnh viện, trước đó, bệnh nhân nam H.V.T, sinh năm 1986, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng di chuyển bằng xe máy va chạm với xe ba gác chở sắt. Sau tai nạn, bệnh nhân T. bị đứt lìa bàn chân nên được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu, đồng thời bảo quản chi đứt lìa.
Bệnh nhân T. nhanh chóng được chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu vào lúc 15h46 ngày 1/7 với tình trạng mạch nhanh, vết thương đứt lìa 1/3 trước bàn chân phải lộ gân cơ.
Nhận định đây tình trạng cấp cứu khẩn cấp, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến phòng mổ phẫu thuật cắt lọc xử trí vết thương, khâu nối vi phẫu động mạch, tĩnh mạch, cố định xương do Bs.CKII. Dương Khải, BsCKI. Thạch Thanh Tùng cùng ê-kíp phẫu thuật thực hiện khâu nối phục hồi lại toàn bộ giải phẫu cho bàn chân bị đứt lìa với thời gian 4 giờ.
Hiện, bàn chân bệnh nhân hồng hào, mạch mu chân rõ, chi ấm, dự kiến bệnh nhân sẽ được các bác sĩ đánh giá và tiếp tục phẫu thuật nối gân cơ trong thời gian sắp tới.
Hình ảnh bàn chân bệnh nhân T. đứt lìa sau khi được nối.
Bs.CKII Dương Khải (phẫu thuật viên chính) cho biết, quá trình phẫu thuật khó khăn do tình trạng vết thương phức tạp, các mô cơ giập nát nhiều, mạch máu, gân cơ khó xử lý.
Tuy nhiên, các bác sĩ trong ê-kíp trực đã nhanh chóng xử trí chi đứt lìa bằng cắt lọc các mô giập nát và ưu tiên khâu nối vi phẫu mạch máu (2 động mạch và 4 tĩnh mạch) với mục tiêu nhanh chóng tái thông mạch máu bàn chân.
Với kỹ thuật khâu nối mạch máu, các bác sĩ của ê kíp phẫu thuật đã sử dụng kỹ thuật nối mạch bằng Coupler (dụng cụ bấm nối vi phẫu 2 đầu mạch máu không cần dùng chỉ khâu). Nhờ áp dụng kỹ thuật này nên thời gian khâu nối mạch máu được rút ngắn, phục hồi tưới máu bàn chân được sớm hơn.
Bs.CKII Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện cho biết thêm, vi phẫu nối chi thể bị đứt lìa khá phức tạp, các thao tác nối lại rất khó, cần sự khéo léo, tập trung cao độ, phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm dày dặn để phẫu thuật vi phẫu.
Để chi thể bị đứt rời sống được và phục hồi tốt chức năng thì yêu cầu của cuộc phẫu thuật là phải khôi phục lại tất cả các thành phần bị đứt như: cần kết hợp xương cho xương gãy, khâu nối gân cơ, và đặc biệt là phải khâu nối lại các mạch máu, thần kinh chính.
Bảo quản phần chi bị đứt rời vô cùng quan trọng
Cũng theo Bs.CKII Huỳnh Thống Em, bảo quản phần chi bị đứt rời vô cùng quan trọng, góp phần cho thành công cuộc phẫu thuật. Việc bảo quản phần chi bị đứt rời tốt nhất được bảo quản ở nhiệt độ khoảng 4°C - 5°C, để kéo dài được thời gian sống của tế bào.
Cụ thể, cách bảo quản là rửa sạch phần chi bị đứt rời dưới vòi nước sạch sau đó bọc trong một đến hai lớp gạc vô trùng hoặc vải sạch rồi cho vào trong một túi nilon, thổi phồng, buộc kín và cho vào trong xô nước đá. Tránh để phần phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá dễ gây bỏng lạnh sẽ không thể khâu nối lại được.
Một trường hợp vi phẫu thuật nối mạch máu chi thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Các trường hợp đứt lìa hay gần lìa chi (tay hay chân), bệnh nhân cần được làm sạch vết thương, băng ép cầm máu, bất động phần chi bị đứt hoặc bảo quản phần chi đứt lìa.
Sau đó, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Việc bảo quản phần chi đúng cách và phẫu thuật càng sớm thì tỷ lệ nối thành công cũng như phục hồi chức năng càng cao.
Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ là Trung tâm Chấn thương chỉnh hình đầu tiên tại ĐBSCL.
Vi phẫu nối chi đứt rời là kỹ thuật cao, chuyên sâu trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, hiện đã được triển khai thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong nhiều năm qua với kết quả điều trị khả quan, góp phần mang lại cơ hội phục hồi chức năng vận động cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị tai nạn nghiêm trọng.
Từ khi thành lập đến nay, với trang thiết bị hiện đại và đặc biệt nhân lực là các phẫu thuật viên được đào tạo từ các trung tâm chỉnh hình lớn trên thế giới, rất nhiều kỹ thuật cao và chuyên sâu được triển khai tạo niềm tin cho người dân khu vực ĐBSCL trong việc khám và điều trị, đặc biệt là các tình huống cấp cứu khi mà thời gian được xem là vàng như bệnh nhân nêu trên.
Thanh Lâm